Cạnh nhẫn hằn vào bắp vế. “Bố biết không, ở Mông Cổ, đất đai không thuộc
về ai cả. Không có hàng rào,” tôi nói.
“Cậu đó... đi với con à?”
“Anh Kal ấy ạ?”
“Cái cậu người Ấn đó.”
“Anh ấy là người Anh. Con có nói với bố là bọn con chia tay rồi. Con có
kể mà.”
Tôi đứng lên bước lại cửa sổ, tựa đầu vào kính. Mặt kính lạnh áp vào da.
Tôi tưởng tượng ngồi cùng anh Kal ngoài một căn lều Mông Cổ, ngắm mặt
trời điểm màu hồng cam lên mặt đất. “Có đại bàng nữa, to lắm, ngay bên
cạnh đường, những chỗ có đường đi. Móng vuốt chúng to thế này này.
Chúng chỉ cần quắp con chuột lên là nó chết tươi.”
Tôi nghe tiếng ông chuyển mình, và tôi quay lại. Ông đang nhìn thẳng
vào tôi. Tròng trắng mắt ông ngả màu vàng đục.
“Con biết... là bố thương... con bằng với... các chị... mà,” ông nói.
Tôi ép chặt một mớ rèm trong tay thành nắm đấm. Nghe như lòng tôi trĩu
nặng khôn cùng. Tiếng thở rít trong cổ họng ông. Tiếng nhỏ giọt từ ống
nước im bặt.
“Quan trọng lắm. Bố luôn... nói với mẹ... của con... là quan trọng.”
“Ý bố là sao?”
“Con phải biết... điều đó, con... phải biết.”
Ngày xưa cứ mỗi chiều thứ Sáu, ông lại mua cho tôi một viên kẹo bạc hà
hình con chuột ở hiệu Thorntons. Không hiểu sao giờ tôi lại sực nghĩ tới
chuyện đó, nhưng quả thật tôi nhớ tiếng mở lớp vỏ nhựa và niềm hân hoan
khi cắn rời cái mũi làm bằng sô-cô-la đen nhân bạc hà ngọt.
Hai bố con không nói gì thêm. Mắt ông khép lại, rồi nhắm hẳn, tiếng thở
biến thành tiếng ngáy nhè nhẹ. Tôi đứng nhìn ông.
Tôi thì thầm: “Xin đừng, xin đừng...”
Có tiếng gõ cửa. Tôi tưởng là chị Tilly hoặc chị Cee, nhưng người vào lại
là cô y tá thấp người, rắn chắc, mặc quần tây và áo rộng cùng màu xanh