Chúng tôi tới chỗ hành lang trên đường Villiers, phong cách như một ban
công Ý, trông ra công viên, xa hơn nữa là là con sông. Suýt nữa thì tôi bỏ
qua nó: một chiếc xương lá nhuộm màu cam – thứ mà ta có thể mua trong
một cửa hàng đồ thủ công để kẹp vào thiệp mừng. Nó bị gãy, mép tưa như
lụa rách. Ông Daniel vẫn bước đi về phía một cái chợ yên tĩnh nhô ra bên
đường. Tôi đứng lại, nhìn dáng ông đi. Khi ông dừng bước và quay lại, từ xa
tôi vẫn thấy rõ cơn hoàng sợ lướt trên mặt ông.
Tôi chìa chiếc xương lá ra, đi lại chỗ ông. “Nhìn này, xin tặng ông,” tôi
nói. Nó nhẹ như bẫng, giống như không hề tồn tại. “Tôi biết cái này không
đúng màu tên ông, nhưng tôi thấy đẹp quá, nên...” Ông nhìn tôi, và tôi buộc
mình nhìn lại. Một cặp khách bộ hành lướt qua, người phụ nữ ngoái lại nhìn.
“Nên tôi muốn tặng ông,” tôi nói.
Đôi mắt ông chớm cười trước khi miệng kịp nhoẻn ra.
Ông để chiếc xương lá vào lòng bàn tay, lấy tay kia che nó lại. “Alice à,”
ông nói mà giọng run run. “Tôi không định nói với cháu điều này...”
“Vậy xin ông đừng nói.”
Ông nhăn mặt.
Tôi nghĩ tới cảnh bố chống tay trên giường, điếu thuốc run run trên tay.
Lẽ ra tôi phải nhượng bộ. Lẽ ra tôi phải nói rằng mình thương ông, và cứ để
yên mọi chuyện như thế.
“Đôi lúc, ta cứ để yên mọi thứ như nó vốn có mới là tốt nhất, phải không
ạ?” Tôi hỏi.
Ông nhìn tôi trân trân một lúc, rồi mỉm cười, gật gù, và xoay đi.
Tôi theo bước ông xuống phố Strand, rồi ra quảng trường Trafalgar.
Chúng tôi đi quanh chân đài tưởng niệm Nelson, rồi lại nghỉ chân ở một đài
phun nước có tượng một phụ nữ nghiêm nghị vịn con cá heo. Những đồng
hai xu nằm trên nền gạch xanh dương, hình ảnh bị nước làm méo đi. Du
khách quây quần khắp quảng trường. Bên phải chúng tôi, hàng cột của Nhà
Triển lãm Quốc gia vươn lên cao.