giường,” Cee nói. “Bố cần thì nhấn. Ý của Steve đấy.” Chị nhô hàm ra
trước, cái cách mà chị làm khi cố chứng tỏ gì đó. “Nếu chỉ có mình em ở
nhà, có thể em muốn mang nó theo người,” chị nói. “Có móc sau lưng mà.
Này, mỗi ngày cô Margaret đến ba lần để lo vụ ống thông tiểu và mấy
chuyện đại loại thế.” Chị chun mũi khi nhắc tới ống thông tiểu. “Chị Tilly đã
mua nhiều đồ ăn. Và giờ em về rồi” – chị cười mà tôi thấy giống nhăn mặt
hơn – “chị sẽ đi làm buổi sáng và ghé buổi chiều.”
“Em đã về nhanh nhất có thể được,” tôi nói. “Ulan Bator xa như quỷ, chị
biết mà.”
“Chị đâu có chê trách gì,” Cee bảo. “Chị chỉ nói rằng giờ em ở đây rồi...”
“Chị nghĩ có lẽ em đọc cho bố nghe được ấy, Alice.” Tilly bày ba cái đĩa,
đĩa trên cùng đựng bánh nướng xốp, cùng ba tách cà phê lên bàn. “Bố thích
thế, mà em đọc to nghe hay.” Chị ngồi xuống nhìn tôi nài nỉ.
“Điều quan trọng là ở bên cạnh, làm cho bố thấy được yêu thương,” Cee
bảo.
“Bố được thương mà.” Tôi làm vỡ lớp trên một cái bánh và cắn ngập vào
nó. Tôi nhìn quanh căn bếp của bố. Nó cũ kỹ, tôi đoán từ hồi những năm 70.
Cái lò tách biệt, vỉ nướng nhô cao lên tận kiềng. Tủ bếp làm bằng vỏ bào ép
màu trắng nẹp gỗ thông. Nó không phải kiểu nhà bếp mà thế hệ như tôi
mong có. Không có mặt đá granite nhập từ Ý, không có gạch ốp tường Bồ
Đào Nha, không có bồn đôi với vòi nước nóng lạnh xịt được vào góc bồn.
Sàn lót vải sơn, thứ chẳng bao giờ trông sạch sẽ được dù ta có cố tẩy trắng
cỡ nào. Nó là căn bếp của một người già. Tôi không thể ngừng nghĩ đến màu
da của ông ấy.
“Sao mới hai tuần mà bố trở bệnh nặng vậy?” tôi nói.
Tay của Cee chuyển đến trên đĩa bánh xốp, rồi rụt lại. “Bọn chị gọi em
ngay khi bố có tiên lượng bệnh, nếu ý em là thế,” chị nói.
“Trước đó bố có sụt cân,” chị Tilly nói. “Nhưng không rõ rệt, rồi vài lần
chị ghé bố trông có vẻ mệt.” Chị lắc đầu. “Chuyện sau đó bọn chị biết là bố
gọi từ bệnh viện.”
“Chắc bố phải cảm thấy chỗ nào không khỏe chứ?” tôi nói.