• • •
Cơn mưa kéo dài suốt buổi sáng: thứ mưa thậm tệ của nước Anh – lất
phất và nhẹ hạt, bầu trời phẳng lì, trắng toát và tẻ nhạt. Tôi rời nhà sau bữa
trưa. Tôi bảo hai chị Tilly và Cee là mình cần mua quần áo, quả vậy, có lẽ
khi đóng sầm cửa trước rồi bước xuống bậc thềm, tôi vẫn đinh ninh là mình
sẽ chỉ đi mua đồ thôi. Nhưng tôi lại lên tàu điện ngầm, ở miết trên đó qua
phố Warren, Goodge, rồi quảng trường Leicester.
Ở ngã tư Charing, một phụ nữ có đôi mắt to kiểu Sla-vơ lên tàu với một
cái xe đẩy em bé. Đứa nhỏ mặc váy hồng bằng nhung kẻ và quần bó ống răn
màu trắng, nó nhìn tôi không chớp mắt. Tôi chăm chăm lại nhìn. Người mẹ
cũng nhìn. Cô ấy mong tôi cười, nói nựng hay vẫy tay với đứa bé. Nhưng tôi
chỉ đáp lại cái nhìn chòng chọc của con bé và cảm thấy dễ chịu kỳ lạ.
Tôi xuống tàu ở Kennington và đi thang bộ thay vì thang máy. Ở mỗi góc
phố đều có khả năng gặp phải anh ấy – giày đen đánh bóng, râu quai nón tỉa
tót, cây dù tôi bỏ lại được cầm cách xa quần anh ấy, nên nó nhỏ nước xuống
nền. Tôi chẳng gặp ai. Sáu tháng rồi. Lâu hơn ấy chứ. Nếu muốn thì tôi có
thể làm cho ra ngô ra khoai, nhưng tôi sẽ không.
Mọi thứ đều quen thuộc đến đau lòng. Tấm bảng trắng ở lối vào ga; thùng
rác đầy những gói khoai giòn rỗng, bao bì đồ ăn mang đi; cái lưới sắt trên
cửa sổ cửa hàng tiện lợi; vỉa hè hẹp tương phản với tường gạch cao, rồi con
đường Alberta trải dài xuống tận quảng trường Penton – một khối tháp xây
dở dang bò lên quá đường chân trời; những tường rào công trường sơn
graffiti và tấm bạt xanh dương bay phần phật cuối dãy căn hộ, nơi từng có
một toà nhà khác.
Khi đến góc đường Amelia, tóc tôi ướt bết vào da đầu, và không còn chắc
mình muốn làm gì nữa. Nhiều khả năng là anh ấy đang ở chỗ làm. Mà ngay
cả nếu anh ấy có nhà, tôi cũng khó lòng gõ cửa mà nói: thứ lỗi cho em, Kal,
em từ Mông Cổ về rồi, em chỉ đi ngang qua và muốn hỏi xem anh đã có gia
đình chưa. Sẵn kể với anh là bố em bị bệnh, em buồn quá chừng. Tôi cúi đầu