chuẩn các giá trị đích đáng, và như thế nếu họ lãnh nhận nhiệm vụ cai
quản xã hội, thì các vấn đề về Bản tính con người sẽ được giải quyết.
Để có được những kẻ “Ái mộ minh triết” (philo-sophia), thích ứng
cho chức vị “Vương-triết” (philosopher-kings) hay “Canh phòng”
(guardians), những giai đoạn giáo huấn cao tầng sẽ được dành riêng
cho những ai có đủ tài năng trí tuệ. Đến một độ tuổi thích ứng, họ sẽ
học toán, sau đó là triết học – những môn học sẽ dẫn đưa trí tuệ của họ
đến tri thức về Ý thể và sự mộ mến sự thật vì sự thật. Lớp người ưu tú
được đào luyện như thế hẳn là muốn tiếp tục sự nghiệp trau dồi trí
thức, nhưng Platon kỳ vọng họ sẽ đáp ứng tiếng gọi của bổn phận xã
hội và ứng dụng tài năng chuyên môn của họ để vận hành xây dựng xã
hội. Sau kinh nghiệm trong những nhiệm vụ phụ thuộc, một số trong
họ sẽ sẵn sàng cho những trách nhiệm cao nhất. Chỉ những kẻ “Ái mộ
minh triết” và sự thật như thế mới mong có thể chống cự lại những
cám dỗ lạm dụng quyền lực, bởi họ biết đánh giá hạnh phúc của một
cuộc sống chính trực và phải lẽ cao hơn là tài sản vật chất (521).
Cuộc sống của những người “Canh phòng” này sẽ là cuộc sống
thanh bần, khắc khổ (spartan), phần nào giống như ý nghĩa ngày nay
của từ này (Platon xem như sử dụng một số ý tưởng phát xuất từ bang
Sparta thuộc Hy Lạp). Họ không có tài sản cá nhân, cũng không theo
cuộc sống gia đình. Nhà nước có nhiệm vụ tuyển chọn kẻ Canh phòng
nào thích ứng cho việc sinh sản hậu duệ, rồi tổ chức những lễ “liên
hoan giao hợp”. Những người con được sinh ra từ đó sẽ được các bảo
mẫu dưỡng nuôi theo cách cộng đồng; có những biện pháp đề phòng
để không một cha mẹ nào có thể nhìn ra trẻ nào là con của mình (457-
461). Ở đây, Platon thực sự đi ngược lại với những nhu cầu tâm lý của
những ràng buộc tình cảm mãnh liệt giữa trẻ con và người lớn −
những kẻ nuôi dưỡng và giáo dục các trẻ (bình thường là cha mẹ
chúng). Là một nam nhân Hy Lạp sinh trưởng từ cấp bậc cao, Platon
rõ ràng đã không có kinh nghiệm về việc nuôi dưỡng con trẻ cũng như
những nhu cầu của chúng.