“Con người là gì mà Chúa cần nhớ đến / phàm nhân là gì mà Chúa
phải bận tâm? / Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy /
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên”. Đó là lời của thi nhân
trong Kinh thánh (Psalm 8:5-6). Kinh thánh Do Thái − Kitô giáo xem
con người là tạo vật được Thượng đế siêu việt tạo dựng theo hình ảnh
của Ngài, với mục đích được Ngài ban cho trong cuộc sống. Cũng có
những hệ thống triết lý lớn của Platon, Aristoteles và Immanuel
Kant đưa ra những chuẩn mực giá trị được xem là khách quan cho
cuộc sống của con người và cho xã hội để được hướng tới.
“Bản tính đích thực của con người là tổng thể những tương quan xã
hội”, Karl Marx viết như thế vào giữa thế kỷ XIX. Marx phủ nhận sự
hiện hữu của Thượng đế, và quan niệm từng con người là sản phẩm
của giai đoạn kinh tế riêng biệt của xã hội trong đó con người sinh
sống. “Con người bị kết án phải tự do” (“Man is condemned to be
free”), trích lời của Jean-Paul Sartre, viết trong thời gian Thế chiến
thứ Hai. Sartre đồng ý với thuyết vô thần của Marx, nhưng khác ở
điểm Sartre khẳng định chúng ta không bị quyết định bởi xã hội hay
bởi bất cứ điều gì khác, nhưng mỗi cá nhân con người có tự do định
đoạt mình muốn là gì và làm gì. Ngược lại, những người-muốn-là-lý-
thuyết-gia-khoa-học về Bản tính con người, thí dụ như Edward O.
Wilson, gần đây đã quan niệm con người như là một sản phẩm của
tiến hóa, với những mẫu hình (patterns) hành xử mang tính sinh hóa
tất định và giống loại đặc thù.
Các bạn đọc đương đại hẳn nhìn ra trong những câu trích dẫn trên
đây từ Kinh Thánh, Marx hay Sartre, chữ “man” [trong nguyên bản]
được dùng để chỉ tất cả mọi hữu thể mang tính người bao gồm cả phụ
nữ (và trẻ em). Cách dùng theo truyền thống như thế, nay thường bị
chỉ trích là góp phần vào sự khẳng định đáng tra vấn về sự thống trị
của nam giới trong gia đình và xã hội, và với hậu quả là sao nhãng
hoặc bỏ quên đi sự áp bức đối với giới phụ nữ. Dĩ nhiên, đây là những
vấn đề quan trọng hơn chỉ là câu chuyện ngôn ngữ. Chúng tôi sẽ