phẩm tâm lý đầu tiên. Có thể nói ngay rằng, chúng ta ý thức được
những khó khăn khi phiên dịch từ Hy Lạp pysche ra từ “linh hồn”
(“soul”). Một nguy hiểm là “linh hồn” mang nặng những nội hàm tôn
giáo với ý nghĩa mộ đạo và bất tử, phát xuất từ Kitô giáo và Platon.
Nhưng Aristoteles sống những bốn thế kỷ trước Kitô giáo và ông có
một khái niệm về psyche khác với Platon. Chúng ta có thể thay thế từ
“linh hồn” bằng từ “tinh thần” (“mind”), nhưng như thế cũng chỉ là
thay một danh từ bốn chữ cái bằng một danh từ khác mà thôi. Sự khác
biệt cơ bản trong khái niệm của Aristoteles là linh hồn hay tinh thần
không phải là một sự vật hay một bản thể (cũng không phải là một bản
thể phi vật chất). Quan điểm của Aristoteles có thể được diễn tả tốt
nhất bằng cách không sử dụng một danh từ nào để phiên dịch từ
psyche, nhưng có thể nói được rằng có những sinh vật được “thúc
hồn” (“ensouled”); nghĩa là chúng có những cách thức hiện hữu và
hoạt động riêng biệt.
Diễn tả theo thuật ngữ triết học, Aristoteles áp dụng sự phân biệt
tổng quan của ông về chất thể (matter) và mô thức (form) vào trường
hợp này, và nói rằng linh hồn là mô thức của sinh vật. Nhưng mô thức
ở đây không hiểu theo Ý thể của Platon, cũng không hiểu theo ý nghĩa
phổ thông thường ngày là hình dạng. Đúng hơn, nó hiểu là điều làm
cho một sự vật cơ bản thành một loại sự vật như nó là (“nguyên nhân
mô thức” thứ hai trong bảng bốn câu hỏi). Điều gì làm cho một vật
sống động, tiêu chuẩn nào một vật phải có để được kể là một vật sống
động? Nhớ rằng cây cỏ và thú vật là những vật sống động, chúng ta có
thể nói những tiêu chuẩn đó là biến hóa hóa học và sinh vật học trong
cơ thể (metabolism) và sự tái sinh sản (reproduction). Điều thứ nhất
được Aristoteles gọi là “tự dưỡng, tự trưởng và hư hoại” hay là “khả
năng dinh dưỡng” (De anima 412a13, 414a32), ông cũng nhắc đến tái
sinh sản (415a22). Vậy điều gì phân biệt cây cỏ với thú vật? (Hoặc
gay cấn hơn: Điều gì xác định hồn thú vật?) Thú vật có quan năng
giác thức, thèm khát (412a33), tự cử động (414b18). Nghĩa là khác với