một thế giới khác. Aristoteles trái lại cống hiến cho ta một dự kiến
hoàn toàn tại thế về sự thành tựu nhân tính. Trên phương diện này,
việc tiếp cận của ông có nhiều tương đồng với Khổng giáo (xem
chương 1) hơn là với các học thuyết khác mà ta đã xem trong các phần
trước đây.
* (Ghi chú của tác giả viết trong ngoặc đơn về phương pháp Chẩn
bệnh và Kê toa thuốc [ND]: Trình bày một học thuyết bằng các khái
niệm Chẩn bệnh và Kê toa thuốc (như khung trình bày trong tập sách
này), hoặc bằng cách nêu ra Lý tưởng và Phương cách thực hiện (gần
với phương pháp tiếp cận của Aristoteles hơn), điều đó chỉ là một sai
biệt nhỏ về điểm nhấn và cách thức trình bày. Chẩn bệnh về điều gì sai
trong con người giả thiết một phê phán giá trị về lý tưởng mà ta muốn
đạt đến. Ngược lại, Lý tưởng đưa ra một chuẩn mực mà nhiều người
muốn tìm thấy nhưng không đạt được).
Aristoteles bắt đầu Đạo đức học Nikomacheia với câu hỏi, có chăng
một mục đích, một cùng đích mà ta tìm kiếm, vì giá trị của nó, trong
mọi hành động và dự tính của chúng ta (NE 1094a1-b12). Ông nói, tất
cả chúng ta có thể đồng ý là có một cùng đích như thế, ta gọi đó là
“hạnh phúc”, nhưng chúng ta có thể bất đồng về cách hiểu hạnh phúc
đó hiện thực là gì (NE 1095a17). Chúng ta cần thận trọng khi dùng từ
“hạnh phúc” để phiên dịch từ Eudaimonia của Aristoteles. Nguyên tự
của từ Hy Lạp này hàm kết khái niệm có một thần hộ mệnh tốt lành
hay “genius” (daimon). Trong cách dùng của Aristoteles, không có
hàm ý siêu nhiên nào như thế, nhưng chỉ ngụ ý một chuẩn mực đạo
đức khách quan – trong khi “hạnh phúc” trong tiếng Anh đương đại
lại cũng không có ý nghĩa sau này nữa. Chúng ta có thể nói về một
người khuyết tật tâm thần rằng y “hạnh phúc” (happy) với mấy đồ
chơi của mình, hay về một người nghiện ma túy rằng y “hạnh phúc”
(happy) khi gặp được một nguồn cung cấp và không bị một hậu quả
nào, hoặc nữa về một người hiếp dâm hay mê trẻ (pedophile) rằng y
“hạnh phúc” (happy) vì gặp được nạn nhân mà không bị bắt – nhưng