giải thích cần cù của ông về bản tính của đức hạnh con người có thể
giúp các lý thuyết gia và các nhà lập pháp xã hội (các “chuyên gia
chính trị”, như ông nói) trong suy nghĩ tổ chức xã hội cách nào để xúc
tiến đạo đức và sự thành tựu của con người (NE I.3).
Những tập sách của bộ Đạo đức học Nikomacheia bàn luận các đức
hạnh riêng biệt một cách rất chi tiết, kêu mời việc so sánh với truyền
thống đạo đức Trung Hoa nơi Khổng Tử và Mạnh Tử (xem chương 1).
Bên cạnh đức khôn ngoan thực hành (“prudence”), còn có ba nhân
đức khác trên bảng liệt kê truyền thống, đó là đức tiết độ, can đảm và
công bình [trong truyền thống được gọi là Bốn nhân đức bản yếu: four
cardinal virtues, ND]. Nhưng Aristoteles đã nới rộng danh sách này và
đưa ra một phân tích mới (cho nhiều, nếu không phải là cho tất cả) về
đức hạnh như là điểm trung dung giữa hai thái cực. Đức can đảm là
cán cân ngay thẳng giữa hèn nhát và liều lĩnh; tiết độ là trung dung
giữa say sưa và khổ hạnh; quảng đại là trung dung giữa hoang phí và
keo kiệt; hòa nhã là trung dung giữa nóng giận và nhu nhược (NE
III.6-V). Đối với những ai nghĩ Aristoteles là quá nghiêm khắc, có thể
là một đền bù khi nghe ông thừa nhận “cuộc sống cũng bao hàm nghỉ
ngơi, và nghỉ ngơi cũng bao hàm vui chơi đủ loại” (IV.8, 1127b35),
mặc dầu ở đây ông vẫn không thả lỏng gọng kềm lý trí, nhưng đưa lại
một phân tích về hài hước hóm hỉnh như độ trung dung thích hợp giữa
một tên siêu hề và một lão khờ khệch đờ đẫn!
Aristoteles đưa thêm một số đức hạnh xem như riêng biệt cho xã
hội cổ đại Hy Lạp, thí dụ như “đại tâm” (greatness of soul: xứng đáng
với những điều lớn lao và ý thức được điều đó) và “hào phóng”
(munificence: hiến tặng tiền bạc rộng rãi và thích ứng cho những dự
án công cộng). Đức hạnh “đại tâm” (cảm nhận thích đáng về giá trị và
vinh dự của bản thân) có thể là trung dung giữa tự phụ (tưởng mình
cao trọng mà thực sự không hẳn là thế) và tự ti (xem mình nhỏ bé hơn
là mình thực sự) (NE IV.3). Nhưng cũng không phải là một thừa nhận
phổ quát cho rằng, đại tâm là một đức hạnh: Trong các “Mối phúc