xã hội và góp phần rút ngắn cơn đau sinh đẻ của thời đại mới. Mỗi
niềm tin nhìn tới một tương lai kiện toàn trong đó con người và xã hội
sẽ được cứu và trở nên hoàn thiện, hoặc trong một cuộc sống sẽ tới
hay trong một giai thời tương lai của lịch sử nhân loại.
e) Một điểm so sánh cuối cùng − với ghi nhận đối với mỗi một
trong hai hệ thống niềm tin tổng thể này − có một Cơ chế con người
[một số giáo phái như Công giáo La Mã quan niệm cơ chế này là Cơ
chế thiên tính bởi được Đấng Christ thiết lập, ND] đòi hỏi sự trung
thành của tín nhân và thực thi quyền uy trên niềm tin và thực hành của
người tin: đối với tín nhân Kitô giáo đó là Giáo hội, đối với người
Marxist đó là Đảng Cộng sản. Để chính xác hơn, đã một thời gian dài
có những giáo hội Kitô giáo đối nghịch nhau và trên hơn một thế kỷ
rưỡi từ thời Marx đã có những Đảng Cộng sản hay đảng xã hội khác
nhau. Hiển nhiên, các giáo hội và các đảng có sự khác biệt rõ rệt (đôi
khi kịch liệt) giữa họ với nhau liên quan đến sự giải thích đúng đắn về
những giáo lý căn bản và về cách ứng dụng chúng vào sự thay đổi các
tình trạng xã hội.
Niềm tin vào học thuyết Marxist và cách mạng cộng sản được
quảng bá rộng rãi vào những năm giữa thế kỷ XX (ít nữa là trong giới
trí thức và với lớp người sinh trưởng ở Liên bang Xô Viết), nhưng
hiện nay thì khó lòng tìm thấy những “tín đồ thực tình” như vậy (có lẽ
trừ ở Bắc Hàn). Nhưng niềm tin Kitô giáo và các tôn giáo khác thì
rõ ràng còn rất nhiều và rất lớn rộng ở giữa chúng ta. Những bi kịch
của lịch sử đúng hơn đã bào mòn niềm tin nơi những kế đồ giải thoát
thế tục, nhưng ta sẽ không bỡ ngỡ nếu những loại niềm tin mới lại
được dấy lên. Cũng là một sự thật, rằng Kitô giáo không phải là một
hệ thống niềm tin nguyên khối, bởi có nhiều tranh luận nghiêm trọng
về vấn đề những giáo lý cơ bản là gì và phải giải thích chúng như thế
nào (xem chương 6).
Ngoài truyền thống phương Tây, còn có các học thuyết khác về Bản
tính con người, một số trong đó vẫn còn rất sinh động. Đạo Islam −