Freud). “Không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội đang ở
trong tôi” (Romans 7:17). Điều này xem ra như bào chữa cho người có
tội khỏi chịu trách nhiệm, nhưng đó không phải là dụng ý của Paulus.
John cũng nói đến nô lệ cho tội đối chiếu với cuộc sống tự do nhờ
nhìn biết sự thật trong Đức Jesus (John 8:31-36).
Như chúng ta thấy, Tội cơ bản không phải do bản chất giới tính:
Giới tính có một chỗ đứng chính đáng trong hôn nhân. Bản tính thật
của tội là ở trong tâm thần hay tâm linh; nó hệ tại sự kiêu hãnh, lấy ý
yêu riêng mình chống lại ý yêu thương của Thượng đế, với hậu quả là
tha hóa mình đối với Ngài. Nhưng điều này hẳn nhiên không có nghĩa,
rằng tất cả mọi sự tự-xác quyết của mình đều là tội. Nietzsche mô tả
Kitô giáo như là khuyến khích một nền “luân lý nô lệ” bằng cách ca
tụng sự ngoan ngoãn, sự hạ mình, xa lánh sự tự khẳng định hùng mạnh
của con người và một cuộc sống năng động đưa đến mức hoàn hảo
nhất. Một cách đọc nông cạn “Bài giảng trên Núi” về “Các Mối Phúc
thật” (Matthew, chương 5) có thể gợi lên ý tưởng đó. “Phúc thay ai có
tâm hồn nghèo khó”, Đức Jesus nói, nhưng không rõ chúng ta phải
hiểu thế nào về những lời huyền nhiệm đó. Một số câu chuyện về Đức
Jesus (như chuyện Ngài xua đuổi những kẻ buôn bán tiền bạc ra khỏi
đền thờ) và một số lời dạy của Paulus trái lại đã cho thấy những phê
phán đạo đức rõ ràng, sự giận dữ chính đáng, và những hành động
quyết liệt.
Sự sa ngã của con người được thấy như liên hệ đến cả tạo thành
(Romans 8:22): “muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại”...;
(Romans 3:23): “tất cả bị tước mất vinh quang của Đức Chúa Trời”.
Nhưng người ta có thể tự hỏi, có cần thiết phải nhân cách hóa sự ác
qua khái niệm Satan hay những năng lực ác quỷ nào khác − mặc dầu
những khái niệm đó quả thật có xuất hiện trong Tân Ước (Matthew
4:1-11; Mark 5:1-13; Acts 5:3; 2 Thessalonians 2:3-9; Revelation
12:9). Ngoài ra, sẽ là Manichean (thuyết nhị nguyên Thiện và Ác, theo
tác giả tôn giáo Mani ở Mesopotamia vào những năm 240 CN) chứ