nâng cao” kia có bù đắp gì đúng với mức ưu đãi − nếu ưu đãi là điều
được nói đến ở đây: bởi “quả thật Chúa của ngươi là Đấng mau chóng
đòi hỏi”.
Một vấn đề về phụ nữ: Có điều đáng ghi nhận là Qur’an sử dụng
một thuật ngữ tương tự khi bàn về tương quan giữa chồng và vợ đã ly
dị. Theo Qur’an 2:228, phụ nữ mới ly dị nên tránh tương giao giới
tính một thời gian khoảng ba kỳ kinh nguyệt. Một lý do rõ rệt cho thời
gian chờ đợi này là, trong trường hợp có thai, quyền làm cha có thể
được quy cho người chồng trước; đoạn văn này cũng gợi ý hai đối tác
có thể hòa hợp lại với nhau vào thời điểm này. Qur’an viết: “Phụ nữ
cũng có quyền được xử đãi công bằng như nam nhân [theo nguyên tự:
như những kẻ đã ly dị các bà], và đàn ông có một bậc trên [a degree
over] phụ nữ, và Thượng đế là Đấng uy quyền và khôn sáng”.
Trái với điều người ta có thể chờ đợi, đoạn văn trên đây đã rất ít
được bình giải trên mười lăm thế kỷ qua. Các nhà giải kinh Đạo Islam
nhận thấy ý nghĩa của nó rõ ràng và không cần tranh luận: Đàn bà và
đàn ông có quyền được xử đãi công bằng trước pháp luật, và điều làm
cho việc đối xử nên công bằng trước pháp luật cho đàn bà thì cũng
phản ảnh điều làm cho công bằng [trước pháp luật] cho đàn ông –
nhưng với một phản kháng xem ra bí ẩn: rằng “đàn ông có một bậc
trên [a degree over] phụ nữ”. Câu hỏi hiển nhiên là: một bậc gì? Nếu
sử dụng nguyên tắc giải kinh truyền thống ‘lấy một phần Qur’an để
giải thích phần Qur’an khác’, thì phản kháng trên đây được biện luận
hiểu rằng, một “cấp bậc được nâng cao” [degree of elevation] do
Thượng đế đặt ra là để thử tính sòng phẳng của người đàn ông, kẻ đã
ly dị vợ mình, hơn là để chỉ tính cao cấp đại khái của đàn ông đối với
đàn bà. Ngoài ra Qur’an cũng tuyên bố rằng, Thượng đế xác định các
cấp bậc “cho mỗi người tùy theo công việc họ đã làm, hầu Ngài có thể
ứng đáp với những hành động của họ...” (Qur’an 46:19; xem thêm
6:132).