tin của con người và bởi ân sủng tự do của Thượng đế, không qua
trung gian quyền uy của Giáo hội – và cũng không dựa vào lý trí:
Luther minh thị lên án lý trí như là một “con điếm”.
Luther cũng tỏ ra là một người dân Đức, phản ứng lại quyền lực của
Roma. Ông đã dịch Kinh thánh sang tiếng Đức và viết các tác phẩm
tranh luận của mình bằng một thứ tiếng bình dân vừa dí dỏm vừa đầy
sinh lực làm cho dân chúng dễ hiểu và ưa thích. Tân phong trào cải
cách tôn giáo lan rộng mau chóng suốt Bắc Âu, và sự hợp nhất của
Giáo hội phương Tây bị phủ bóng. Một số lớn các hệ phái và môn
phái Thệ phản [Protestant, ngày nay gọi là Evangelic, Evangelical: Tin
Lành] khác nhau được phát triển, kêu gọi đến Kinh thánh và kinh
nghiệm tôn giáo cá nhân, hơn là truyền thống của Giáo hội. Phiên dịch
Kinh thánh sang các thứ tiếng của dân chúng trở nên một yếu tố quan
trọng trong thứ linh đạo mới này. Từ trước cho đến thời Cải cách,
Kinh thánh chỉ được sử dụng bởi các linh mục và các nhà thần học,
những người có thể đọc và hiểu tiếng Latinh và Hy Lạp. Một số người
phiên dịch trước kia, thí dụ như William Tyndale, đã bị hỏa thiêu bởi
các thẩm quyền của Giáo hội, vì các vị chức sắc này lo sợ cho quyền
uy của họ nếu có ai đọc và tự giải thích Sách thánh cho chính họ.
Kêu gọi đến Kinh thánh trở thành nguồn thẩm quyền cơ bản cho
người Tin Lành, cách riêng cho những người Calvinist hay Giáo hội
Cải cách (Reformed Churches) dưới sự hướng dẫn của John Calvin
(1509 − 1564), người đã hệ thống hóa tư tưởng của mình trong tác
phẩm chính của ông Institution de la Religion Chrétienne (Institution
of the Christian Religion), năm 1536. Một nhà nước thần trị Calvinist
(một xã hội được điều khiển bởi những lãnh đạo tôn giáo) được thiết
lập tại Geneva ở Thụy Sỹ. Giáo phái Calvin lan rộng đến Scotland,
đến phong trào Thanh giáo (Puritanism) ở Anh, và sau đó đến Hoa Kỳ
với những người lập cư đầu tiên ở đó. Một giáo lý về sự Bất khả ngộ
của Kinh thánh như là lời mặc khải của Thượng đế được phát triển −
một quan điểm mà ngày nay vẫn còn rất phổ biến. Nhưng vấn đề ai là