tiếp nhận từ Rousseau một sự ngưỡng mộ sâu xa về cảm xúc luân lý
bình thường. Trong bộ Phê phán thứ nhất, bộ sách với một số cách
thức suy tư triết học vô cùng khó hiểu có thể gặp, Kant đã từ tốn nói
thêm: “... đối với các mục đích cơ bản của Bản tính con người, nền
triết học cao siêu nhất cũng không thể hướng dẫn cho ta bằng sự
hướng dẫn mà Tự nhiên đã phú bẩm cho lương năng bình thường
nhất” (A831/B859; xem bản dịch PPLTTT của BVNS).
Phân tích của Kant về các quan năng nhận thức của con người theo
tôi là chính xác. Nhưng câu hỏi lớn được đặt ra là, siêu hình nào về
Bản tính con người làm cho những khả năng tinh thần đặc biệt kia khả
dĩ có được? Ở đây vấn đề quả là khó khăn và gây tranh luận. Lập
trường công khai của Kant về vấn đề nhị nguyên đối với thuyết duy
vật là chúng ta không thể biết chúng ta là gì “trong chúng ta” (tức “tự
thân”/ “in ourselves”). Trong các phân đoạn về “Võng luận”
(“Paralogisms”) trong phần Biện chứng pháp, Kant lập luận rằng,
những chứng cứ siêu hình truyền thống của “tâm lý học thuần lý”
(“rational psychology”) (nghĩa là của Platon và Descartes) không thể
chứng minh được sự hiện hữu của một linh hồn không thân xác.
Chúng ta chỉ có thể biết mình như chúng ta tỏ hiện cho chính mình
qua xem xét nội tâm (“nội quan”/“inner sense”) và biết nhau như con
người có thân xác nhận thức được qua “ngoại quan” (“outer sense”).
Nhưng Kant nhấn mạnh, chúng ta không thể chứng minh được rằng
chúng ta đơn thuần chỉ là những hữu thể vật chất (A379/B420). Trong
kiểu cách riêng của mình, Kant để bỏ ngỏ câu hỏi siêu hình. Nhưng sự
ưu tiên của Kant được biểu lộ khi ông loại bỏ quan điểm “một duy vật
không linh hồn” (đoán chừng trong đầu ông nghĩ đến Hobbes hay de
la Mettrie) và gợi ý − dẫu như là một điều thuộc đức tin hơn là tri thức
− rằng chúng ta có thể vượt khỏi sự chết và tiếp tục sống trong một
tương lai vô tận (B424-426).
Kant có một niềm tin vững như thạch về tự do của con người và về
trách nhiệm luân lý. Ông quan niệm con người là những hữu thể tự do,