thứ hai là tính năng của Vật tự thân” (A539/B567; xem bản dịch
PPLTTT của BVNS).
Xem ra như Kant muốn nói rằng, tất cả những trạng thái và thay đổi
của cơ thể chúng ta − gồm cả những cử động của chân tay, môi miệng,
máu tuần hoàn, kích động của neurons trong óc não, lượng chảy các
hormones − được xem như là tính năng thường nghiệm của chúng ta.
Còn những tin tưởng, ham muốn, hy vọng, sợ hãi, ý định, cảm xúc của
chúng ta được coi như là tính năng khả niệm. Như thế thì dễ bị lôi
cuốn mà nói rằng, những điều trong vế đầu thuộc vào hệ tất yếu phổ
cập thông qua cơ chế nhân quả đối tượng của sinh lý học, còn nói về
lý do cho hành động trong vế thứ hai tất có nghĩa một tương quan
thuần lý, không-nguyên nhân hậu quả của những tin tưởng, ham muốn
và những hành động có thể có. Thí dụ: nếu có người muốn uống bia và
nghĩ rằng có bia ở trong tủ lạnh, điều đó là một lý do hiển nhiên làm
cho anh ta đi đến tủ lạnh. Mọi người đều có thể thấy mối liên hệ trên
mà không cần biết đến có hoạt động nào trong bộ não. Cũng là một
điều nên ghi nhận, rằng liên hệ thuần lý đưa tới một hành động khả dĩ
(possible), bởi nghĩ tưởng và ham muốn mới chỉ là một lý do đi đến tủ
lạnh, mặc dầu đương sự trong thực tế không nhúc nhích đi đứng chút
nào (có thể đương sự có một lý do nào khác để không đi, thí dụ như
lười biếng, kiêng ăn kiêng uống, hoặc lý do luân lý – như biết rằng bia
đó thuộc sở hữu của người nào khác).
Sự phân biệt giữa lý do và nguyên nhân, giải thích thuần lý và giải
thích nguyên nhân hậu quả hẳn thật là một phần thiết yếu trong việc
trình bày thích đáng về hành động của con người, và chúng ta mắc nợ
với Kant vì ông đã khai mở chủ đề này (mặc dầu có phần tối tăm khó
hiểu). Nếu thuyết duy vật (trong hình thức đôi khi được gọi là khoa
“vật lý học”/”physicalism”) cho rằng chỉ có một cách giải thích có giá
trị − giải thích bằng nguyên nhân thể lý − thì Kant cho ta lý do đúng
đắn để loại bỏ một luận điểm giản lược như thế. Nhưng vẫn còn một
vấn đề bỏ ngỏ đối với chúng ta, khi nói rằng con người được làm ra