hoàn toàn khước từ đưa ra những lý do cho những xác tín và những
hành động của mình.
3. Một vài dụng cụ triết học cơ bản
Nếu chúng ta có việc đánh giá một cách nghiêm chỉnh và hợp lý
những niềm tin, học thuyết và ý thức hệ, chúng ta cần phân biệt giữa
những loại phát ngôn hay khẳng định, cần xem hình thức khảo xét nào
là thích ứng cho từng loại vấn đề. Tiếp sau đây là một bộ dụng cụ
khảo xét triết học sơ đẳng.
1) Những phê phán về giá trị
Trước hết, một phát ngôn có thể là một phê phán về giá trị, nói rằng
điều gì phải (hay không được) xảy ra, khác với một phát ngôn về sự
kiện nói rằng điều gì hiện đang tồn tại. Những khẳng định về Bản tính
con người là điều rất dị nghĩa. Đối với con người, có là một điều tự
nhiên khi uống sữa bò, chui sâu vào hầm mỏ để tìm khoáng vật, hay
bay trên không trung với máy bay? Đối với chúng ta, có tự nhiên
không khi ta ích kỷ hay thương xót, an bình hay gây hấn, cân bằng hay
loạn thần kinh? Những từ “tự nhiên”, “không tự nhiên”, “tính tự
nhiên” có thể được xem là những chỉ dấu nguy hiểm ở đây, nói ra
những hỗn độn, những lẫn lộn. Khi có người nói: “Con người tự nhiên
là X”, chúng ta có thể hỏi lại: “Bạn muốn nói mọi người (hay phần
lớn) là X?” hay “Con người phải là X?” hay “Chúng ta có khuynh
hướng bẩm sinh là X?” (và trong trường hợp này, khuynh hướng đó
phải được khuyến khích hay chống lại?), hay có lẽ “Con người là X
trước khi nền văn minh xuất hiện?” (và văn minh là gì, bằng cách nào
đó?).
Ta lấy một trường hợp tranh cãi điển hình, bởi đã có những quan
điểm và những thái độ rất khác nhau từ mọi phía về nó: Người ta
thường nói tình dục đồng giới là không tự nhiên, và câu nói đó
thường ngụ ý rằng điều ấy là sai. Tình dục đồng giới đã được biết đến
trong hầu hết mọi xã hội loài người, nhưng thực tiễn có thể nó đã được