đồng” của văn hóa Á châu, ND]), nghĩa là nhu cầu và khuynh hướng
của chúng ta được là một chi thể của xã hội con người, kết hợp với xu
hướng tư kỷ và đua tranh. Điều nghịch lý: luận điểm của Kant cho
rằng chúng ta tự bản tính là ác hầu như cũng là một vấn đề với khẳng
định của Rousseau cho rằng chúng tự bản tính là tốt (một cuộc tranh
luận tương tự trong truyền thống Khổng giáo, xem chương 1). Từ ngữ
“tự bản tính” được hai triết gia sử dụng ở đây với hai nghĩa đối
nghịch: Rousseau ngụ ý “trước mọi điều kiện xã hội”, nghĩ rằng sự
phát triển xã hội đã làm hủ hoại Bản tính con người sơ khởi, trong khi
Kant lại nghĩ rằng, Bản tính con người đích thực của chúng ta chỉ có
thể hình thành trong xã hội. Kant không tin là có một trạng thái gọi là
tiền xã hội đầy nhân tính.
TOA THUỐC: TÔN GIÁO THUẦN TÚY VÀ TIẾN BỘ VĂN
HÓA
Làm sao ta có thể hoàn thành và cổ vũ được những ý định ngay lành
và những khuynh hướng đạo hạnh? Sẽ không đầy đủ nếu chúng ta chỉ
biết nêu ra lý thuyết những điều mà lý tính thực hành đòi phải thực
hiện, đòi phải phổ quát các “phương châm” sau hành động, đòi phải áp
dụng những phương châm hành động đó cho mọi hữu thể có lý tính và
xử đãi với mỗi người như một mục đích “tự thân” (như Kant đã nêu ra
trong tác phẩm Đặt cơ sở chương II và trong bộ Phê phán thứ hai).
Cũng sẽ không đầy đủ nếu chỉ nêu ra rõ ràng những quy tắc luân lý
hay sự áp dụng chúng vào những trường hợp đặc thù (như Kant đã làm
trong tác phẩm Siêu hình học về đức Lý), bởi như Platon và sứ đồ
Paulus đã viết, nhìn ra nghĩa vụ là một chuyện, thi hành nghĩa vụ lại là
một chuyện khác. Suy tư triết học và giảng dạy luân lý khét tiếng được
biết là ít có ảnh hưởng trên hành động của con người!
Ở đây có những vấn đề rất thực tế cho cha mẹ, thầy cô, cán sự xã
hội, người làm luật, và cả các nhà thần học về việc làm thế nào để dân
chúng được huấn dạy và khuyến khích phát triển đức hạnh. Kant cũng
đã từng cân nhắc suy nghĩ về điều đó (không phải tất cả mọi thư văn