chỉ cần nói rằng, các hình thức xã hội khác nhau ấy có một số đặc tính
chung nào đó. Một thí dụ hiện đại: việc sử dụng phổ biến kỹ thuật máy
tính (computer) chỉ đòi hỏi một mức hiểu biết nào đó cho rất nhiều
người trong xã hội.
Nhưng điều đó lại gây nên vấn đề: lời Marx nói về sự “gây điều
kiện” (“Bedingen”) hay “tương ứng” (“Entsprechen”) có nghĩa gì? Có
bao nhiêu tính “quyết định” (determinism) mà Marx muốn nói, đồng
thời gian (synchronically) hay xuyên thời gian (diachronically)? Dĩ
nhiên, mỗi xã hội phải sản xuất những gì cần thiết cho đời sống, phải
cung ứng bảo đảm cho sự sống còn và tái sản xuất. Ta phải ăn nếu ta
muốn hoạt động hay suy tư, nhưng điều đó không có nghĩa rằng, cách
ta sản xuất và vật gì ta ăn có tính “quyết định” trên mọi sự ta làm hay
ta suy nghĩ. Điều nói hợp lý – và xem như đó là điều Marx nói, nếu
ông ta thực sự nghiêm túc – là rằng, “cơ sở vật chất” có một ảnh
hưởng quan trọng trên mọi sự: Nó đặt ra những giới hạn trong đó các
yếu tố khác cũng có vai trò của chúng. Cách thức mà một xã hội sản
xuất những yếu phẩm cho cuộc sống của mình có thể ảnh hưởng đến
việc những con người trong đó đặc biệt suy nghĩ như thế nào. Nhưng
cái rắc rối là câu nói trên có phần mơ hồ, bởi không rõ vế câu ảnh
hưởng quan trọng thực sự là gì. Cuối cùng, chúng ta hầu như chỉ có
được một nhắn nhủ: hãy tìm ra những yếu tố kinh tế trong từng trường
hợp cá biệt, và hãy kiểm nghiệm chúng ảnh hưởng thế nào đến phần
còn lại. [Lời nhắn nhủ xem ra quá đơn giản], nhưng quả thật nó đã
được chứng thực là một phương pháp luận vô cùng ích lợi trong các
khoa lịch sử học, nhân chủng học và xã hội học.
Lịch sử là một môn học thực nghiệm, vì những mệnh đề nó đưa ra
cần được kiểm nghiệm bởi tính hiển nhiên về những điều đang xảy ra.
Nhưng không vì thế mà nó là một khoa học, trong nghĩa bao gồm
những quy luật của tự nhiên, nghĩa là những khái quát của sự phổ cập
không hạn chế. Bởi lịch sử cuối cùng là sự nghiên cứu về điều xảy ra
trong các xã hội con người trên hành tinh riêng biệt này, trong một