từ cha mẹ và xã hội. Mỗi người đều phải đi qua giai đoạn quan trọng
này trong tiến trình phát triển tâm lý, và nếu điều đó không được thực
hiện thành công, thì có lẽ chỉ còn phân tâm học là có thể đảo ngược sự
hư hại bằng cách giúp đưa bệnh nhân trở lại trong tâm thần giai đoạn
thiếu thời trước đây và bước qua giai đoạn trung gian này những bước
đi với nhiều thành quả.
CHẨN BỆNH: TÂM THỨC BẤT HÒA, DỒN NÉN, CHỨNG
LOẠN THẦN KINH
Giống như Platon, Freud khẳng định rằng, sự thư thái, an lành và
hạnh phúc của cá nhân mỗi người tùy thuộc vào một tương quan hòa
hợp giữa các thành phần khác nhau của tinh thần, cũng như giữa toàn
thể con người và xã hội. Cái Tôi (hay cái Ngã: Ich, self) phải giải hòa
cái Nó (Es, id), cái Siêu-ngã (Über-ich, superego) và cái Thế giới bên
ngoài, tìm những cơ hội thuận lợi để thỏa mãn những đòi hỏi của bản
năng (xung lực) mà không vi phạm những chuẩn mực đạo đức của xã
hội. Nếu thế giới không cung ứng đủ những cơ hội thuận lợi cho sự
kiện toàn, thì hậu quả sẽ là đau thương, thất vọng; nhưng cả khi môi
trường bên ngoài thuận lợi, thì cũng có thể có rối loạn trong tâm thức
nếu như bên trong có những xung đột giữa các thành phần của tâm
thức, của tâm hồn (soul). Thí dụ, trong các trường hợp bị ám ảnh hay
sai quấy loạn thần kinh, thì cái Siêu-ngã có thể đưa ra những đòi hỏi
vượt ra ngoài chuẩn mực mà số đông người có thể chấp nhận là hợp
lý.
Freud quan niệm sự dồn nén (Verdrängung, repression) là điều
quan trọng cơ bản trong nguyên nhân gây nên bệnh loạn thần kinh.
Trong hoàn cảnh một sự xung đột tâm thức, khi có người cảm nghiệm
một xung lực không thể nào thích hợp được với những chuẩn mực mà
đương sự cảm thấy phải tuân theo, thì điều đó sẽ bị dồn nén ra khỏi ý
thức. Dồn nén là “cơ chế tự vệ” cơ bản mà người ta thường dùng để
tránh né những xung đột nội tâm. Nhưng điều đó thiết yếu chỉ là một
sự thoái thác, một sự rút lui khỏi thực tại, và nó sẽ đưa đến sai lầm.