Freud không phải một nhà cải cách chính trị hay xã hội. Hơn nữa, ông
là một người thực tế về giới hạn tác động trị liệu của ông, với sự diễn
tả nổi tiếng về mục đích ngành phân tâm của mình: “thay thế sự bất
hạnh rối loạn tâm thần bằng sự bất hạnh bình thường”! Chúng tôi sau
đây sẽ trình bày về sự trị liệu đặc biệt này.
Phương pháp của Freud được tuần tự phát huy từ sự khám phá của
Breuer rằng, một bệnh nhân cuồng loạn có thể được giúp đỡ nhờ
khuyến khích và nói ra được những ý nghĩ và những tưởng tượng chất
đầy trong tâm thức mình, và có thể được chữa trị khi đương sự nhớ lại
được những kinh nghiệm chấn thương gây ra vấn đề. Freud sử dụng
phương pháp “chuyện trò chữa trị” (Redekur, talking cure), xác định
rằng những ký ức gây bệnh hãy còn nằm trong trí óc vô thức của bệnh
nhân; ông yêu cầu bệnh nhân kể ra những ký ức đó một cách bình thản
không gì phải giấu giếm, với hy vọng ông có thể giải thích được
những năng lực tâm trí của vô thức phía sau những gì được kể ra. Ông
đưa ra như một quy tắc cơ bản của việc điều trị là bệnh nhân nói ra bất
cứ điều gì xảy đến trong tâm thức, mặc cho chúng có vẻ vô nghĩa hay
ngượng ngập bao nhiêu đi nữa (phương pháp “tự do liên tưởng”).
Nhưng Freud nhận thấy dòng chảy của câu chuyện thường bị tắc
nghẽn; bệnh nhân thấy không còn gì để nói và có thể chống lại việc bị
thẩm vấn thêm. Khi có sự “phản kháng” (Widerstand, resistance) như
thế xảy ra, Freud xem đó là dấu hiệu câu chuyện đang đi tới gần mặc
cảm bị dồn nén, và vô thức của bệnh nhân đang tìm cách ngăn ngừa sự
tái hiện những ý tưởng gây đau thương. Ông tin rằng, nếu nội dung bị
dồn nén nay được đưa ra ý thức mặc cho những phản kháng, thì năng
lực trên những ý tưởng độc hại có thể được đưa lại cho tâm trí thuần lý
ý thức, và sự rối loạn thần kinh sẽ được chữa trị.
Nhưng để thực hiện được một thành quả như thế, tất đòi hỏi một
tiến trình làm việc lâu dài, bao gồm nhiều buổi nói chuyện hằng tuần
kéo dài cả nhiều năm. Những nghiên cứu đơn vị bệnh lý (case-studies;
đọc lên giống như những tiểu thuyết văn học hư cấu) cho thấy Freud