số lý thuyết hóa của ông xem ra đi quá xa những điều bệnh nhân nói,
và đàng khác không rõ bằng cách nào có thể chứng nghiệm được
những điều đó. Sau đây, tôi sẽ minh họa vấn đề này thông qua các
phần khác nhau trong việc lý thuyết hóa của Freud.
Giả thuyết tính quyết định (determinism) tâm lý: Áp dụng giả
thuyết tính quyết định tâm lý, Freud đi tới một số khẳng định khái quát
rất đặc trưng, thí dụ như khẳng định mọi cơn mộng đều là những thực
hiện của ước mong (Wunscherfüllungen, wish fulfillments), thường là
dưới hình thức “trá hình”. Nhưng kể cả khi ta chấp nhận, rằng mỗi cơn
mộng phải có một nguyên nhân nào đó, điều ấy không có nghĩa tất yếu
nguyên nhân phải do tâm thức chứ không phải do thể lý. Tại sao
không thể vì có người ăn quá no hay vì nhu cầu xả lũ làm sạch của bộ
não? Vả nếu nguyên nhân có tính tâm thức, điều ấy không nhất thiết
phải là do vô thức hay vì ý nghĩa gì thật sâu xa − tại sao không thể do
một nhớ tưởng rất tầm thường nào đó trong ngày, hoặc nữa vì một
quan tâm bình thường cho ngày mai?
Và sự khái quát hóa của Freud cho rằng nguyên nhân của mỗi cơn
mộng là một ước mong, điều ấy có thể kiểm chứng được không? Khi
một giải thích cho thấy có một ước mong độc lập nơi người nằm mộng
là khả dĩ chấp nhận được, thì đó là một điều tốt. Nhưng nếu một giải
thích như thế không tìm ra thì sao? Một môn đồ xác tín của trường
phái Freud có thể nhấn mạnh rằng, phải có một ước mong tàng hình
mà chưa tìm ra được thôi. Bằng cách nào ta có thể cho thấy, có những
cơn mộng không phải là những thực hiện của ước mong trá hình? Thật
là một điều khó khăn khi phải chứng mình một khẳng định tiêu cực
như thế. Điều ấy lại có thể đe dọa tháo gỡ hết những nội dung thực
nghiệm trong khẳng định lý thuyết của Freud và chỉ còn để lại một gợi
ý thực tế rằng ta phải luôn luôn đi tìm một ước mong trá hình. Và quả
thật là một điều nặng nhọc phải nhìn thấy thể thức kỳ tài ngôn ngữ của
Freud trong tác phẩm Giải mộng (Traumdeutung, The Interpretation of
Dreams) như một việc thực tập trong khoa học tìm cách chứng minh.