ra một số khẳng định mang tính giáo điều và khó lòng chịu đựng được
về tâm lý phụ nữ. Trong tác phẩm Sự bất mãn trong văn minh văn hóa
(Das Unbehagen in der Kultur, Civilization and Its Discontents),
Freud nói rằng, phụ nữ “tiêu biểu cho những quan tâm của gia đình và
cuộc sống giới tính” (SE XXI, 103) – nhưng ta có thể tự hỏi, nam
nhân không thể làm ít nhiều như vậy sao? Và trong câu kế tiếp, Freud
xác định rằng phụ nữ khó có khả năng thăng hoa các bản năng như
nam nhân bằng thực hiện những “công trình văn minh văn hóa”. Xem
ra về vấn đề phụ nữ, Freud đã thấm đẫm một số các thành kiến của
thời đại ông sinh sống.
CUỘC TRANH LUẬN VỚI PHÊ PHÁN:
(B) FREUD NHƯ MỘT NHÀ LUÂN LÝ
Học thuyết về bản năng hay xung lực của Freud thường khi xem ra
mang tính giản lược quá đáng và thuộc sinh lý học. Trong tác phẩm
Vấn đề phân tâm do người thường [không phải bác sĩ] (Die Frage der
Laienanalyse, The Question of Lay Analysis), Freud viết: “Vậy, những
bản năng này muốn gì? Thỏa mãn – đó là, thiết lập những hoàn cảnh
trong đó những nhu cầu thể lý có thể được dập tắt” (SE XX, 200). Hẳn
Freud có trong đầu ý nghĩ về sự giao cấu, và dĩ nhiên về việc ăn và
uống. Nhưng có hợp lý không, khi nói mọi cách cư xử của con người
đều trực tiếp hay gián tiếp hướng về những nhu cầu thể lý ngắn hạn?
Điều này cũng không đúng cả đối với nhiều loại thú vật. Nhiều tạo vật
đã mất nhiều công sức để xây tổ hay chiếm cứ lãnh địa, để tìm kiếm
mồi ăn và canh giữ các con nhỏ của chúng, và mặc dầu những hành xử
như thế là do bản năng, nhưng chúng xem như phải liệt vào hạng
những xung lực khác hơn là việc giao cấu (xem tham chiếu mục Tục lệ
và đạo đức, ethology, chương 12). Con người cũng biểu lộ cách hành
xử của bậc cha mẹ (dẫu còn bất toàn), điều dĩ nhiên cũng hàm chứa
một thành tố bản năng sinh lý.
Trong tác phẩm Sự bất mãn trong văn minh văn hóa (Das
Unbehagen in der Kultur, Civilization and Its Discontents), Freud viết