Sartre tìm cách mở rộng sự tự do và tính trách nhiệm của chúng ta
trên mọi điều chúng ta suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Ông nghĩ
rằng, có những thời điểm mà sự tự do triệt để này được biểu lộ rõ ràng
cho chúng ta. Trong những thời khắc bị cám dỗ hay bất định (như khi
có người đã quyết định dứt bỏ cờ bạc, nhưng nay lại kháp mặt đối diện
với bàn cờ ăn chơi), ta sẽ đau đớn nhìn ra rằng, không có lý do nào,
không có quyết định nào, dẫu mãnh liệt đến đâu, có thể định đoạt dứt
khoát cho việc ta sẽ làm tiếp theo (tr. 33). Mỗi một thời khắc đòi hỏi
một lựa chọn mới và mới lại. Tiếp nối Kierkegaard và Heidegger,
Sartre dùng từ ‘lo âu’ (‘anguish’) để diễn tả cái ý thức về sự tự do của
người (tr. 29, 464). Lo âu không phải là sự sợ hãi đối với một đối
tượng bên ngoài, nhưng là sự nhận thức bứt rứt về một điều tối hậu
không lường trước được của thái độ cư xử của chính mình. Một quân
nhân sợ bị thương, đau hay chết, nhưng anh ta lo âu không biết có can
đảm ‘cầm cự’ được trong trận chiến sắp tới đây hay không. Một người
đi trên bờ vực thẳm sợ bị té ngã, nhưng lo âu khi nhìn ra rằng không
có gì chặn đứng mình lại trong việc bị té ngã (tr. 29-32). Sợ hãi thì
thường rồi, lo âu thì hiếm hoi, vì nó là sự ‘nhận thức phản chiếu của
sự tự do bởi chính nó’ (tr. 39).
CHẨN BỆNH: LO ÂU VÀ KHÔNG THÀNH THỰC, XUNG
ĐỘT VỚI NGƯỜI KHÁC
Lo âu, ý thức về sự tự do của chúng ta, là nỗi đau tinh thần, và
chúng ta luôn tìm cách tránh né (tr. 40, 556). Sartre nghĩ rằng, chúng
ta tất cả đều muốn thực hiện tình trạng trong đó không còn sự lựa chọn
nào nữa cho chúng ta, và như thế chúng ta ‘trùng khớp với chính
mình’ giống như những vật vô linh tính và không còn phải lo âu gì
nữa. Nhưng một sự tránh thoát khỏi trách nhiệm như thế là một điều
hoang tưởng, bởi những hữu thể ý thức là thiết yếu có tự do và không
cần tìm cách biện hộ nào cho khả năng lựa chọn của chúng ta. Đó là
sự chẩn bệnh siêu hình của Sartre về thân phận con người. Cũng vì
thế, sự mô tả ảm đạm về cuộc sống của chúng ta như “một ý thức bất