Sartre tiếp tục phân tích một luận điểm gây nhiều tranh cãi, khi ông
cho rằng tương quan giữa hai con người có ý thức nhất thiết là một
tương quan xung đột. Một người khác biểu hiện một sự đe dọa cho
sự tự do của chúng ta, nguyên chỉ bởi sự hiện hữu của họ, bởi sự nhận
thức của con người này trên chúng ta có nghĩa họ “đối tượng hóa”
chúng ta, xem chúng ta thuần túy như những đối tượng trong thế giới.
Theo Sartre, chúng ta chỉ có hai chiến lược để đối phó với sự đe dọa
này: xem kẻ khác như một đối tượng không có tự do, hoặc tìm cách
“sở hữu” sự tự do của kẻ khác và sử dụng nó cho mục đích của chính
mình (tr. 363). Sartre đưa ra một phiên bản có tính thuyết phục về
cuộc tranh luận nổi tiếng của Hegel bàn về tương quan giữa ông chủ
và người nô lệ, trong đó một cách nghịch lý, người nô lệ kết thúc với
nhiều năng lực tâm lý hơn, bởi ông chủ cần đến người nô lệ để y nhìn
nhận mình như là ông chủ. Sartre áp dụng phân tích này vào một số
hình thức ham muốn tình dục, nhất là hình thức ác dâm và khổ dâm
(tr. 364 tt.). Ông giải bày rằng, những tương quan tình dục làm dấy lên
những vấn đề triết học sâu sắc. Nhưng ông lại khẳng định rằng, sự tôn
trọng đích thực sự tự do của người khác, qua tình bằng hữu hay trong
tình yêu tính dục, là một lý tưởng không thể thực hiện (tr. 394 tt.).
Trong giai đoạn biên soạn tác phẩm này, quan điểm của Sartre xem ra
thật não nuột.
Nhưng đó phải chăng là một mâu thuẫn giữa việc Sartre nhấn mạnh
sự tự do của con người chúng ta và sự phân tích của ông về thân phận
làm người như được xác định ở đây? Ông khẳng định, chúng ta tất cả
đều khát khao lấp đầy “hư vô”, nó là bản chất của sự hiện hữu của
chúng ta như là những hữu thể ý thức. Điều ấy có nghĩa chúng ta khát
khao trở nên một hữu thể giống Thượng đế, một hữu thể là nền tảng
của chính hiện hữu mình, một hữu thể “nơi-mình-cho-mình” (“in-
itself-for-itself”) (tr. 90, 566, 615). Và như ta vừa thấy, Sartre cũng
khẳng định rằng, mỗi tương quan giữa hai con người luôn bao hàm sự
xung đột, trong hình thức tìm cách phủ nhận hay sở hữu sự tự do của