sắc màu tôn giáo gợi ý là có thể “triệt để thoát được ra khỏi sự không
thành thực” và thực hiện được sự “tự phục hồi của một hữu thể lâu
nay sa đọa”. Ông gọi sự giải thoát này là “sự trung thực” (chú thích, tr.
70), ông nói về “một Đạo đức học giải thoát và cứu độ” và về “một sự
cải hóa triệt để” (“a radical conversion”, tr. 412). Ngoài ra, vào giữa
một số đoạn văn lý thuyết tối nghĩa nhất ở Phần 2, Sartre xác định
điều mà ông gọi là suy tư “trong sạch” và “làm cho trong sạch” đối
nghịch với suy tư “vẩn đục” hay “suy tư đồng lõa” (tr. 155, 159 tt.).
Xem như Sartre nhìn nhận một năng lực đạo đức đặc biệt cho loại suy
tư thứ nhất, điều theo Sartre là có thể đạt được, và chỉ như là kết quả
của một “Katharsis”, một sự thanh luyện nội tâm. Nhưng Sartre nói,
những ý nghĩ này không thể khai triển được trong một tác phẩm bàn
về bản thể luận, và ông kết thúc với hứa hẹn sẽ biên soạn một tác
phẩm khác trên bình diện Đạo đức học (tr. 628). Sartre đã không còn
xuất bản một tác phẩm nào như thế, đoán chừng thị lực của ông đã
thay đổi khi ông tra tay vào việc. Quan điểm của ông về Bản tính con
người đã trở nên ít trừu tượng và ít cá nhân chủ nghĩa, ngược lại cụ thể
và mang tính xã hội nhiều hơn.
TRUNG THỰC VÀ TỰ DO CHO MỌI NGƯỜI
Hai tư liệu của Sartre: Nhật ký chiến tranh (War Diaries) và Sổ tay
Đạo đức học (Notebooks for an Ethics) được xuất bản như Di cảo (sau
khi Sartre qua đời). Như thế ta nay có thể thấy được tư tưởng đạo đức
học của ông được khai triển ra sao. Ở đây, tôi dựa vào bản toát yếu
hữu dụng ở chương 4 và 5 theo bản dịch của Thomas C. Anderson
trong tập sách Hai Đạo đức học của Sartre (Sartre’s Two Ethics).
(Như thế, ta tránh được công việc mầm mò qua hàng trăm trang ghi
chú của Sartre, mà theo Anderson, là “ít sáng tỏ và [ít] ý nghĩa”).
Sartre đi đến việc nhìn nhận một cách minh thị hơn, bằng cách nào
sự tự do của con người được đặt vào giữa điều mà ông gọi là “thực
kiện” (“facticity”), thực kiện về chính mình và về hoàn cảnh đặt ra
những phương thức trong đó ta diễn tả sự tự do của mình. Một loại