thực kiện phụ thuộc vào tính tổn thương của thân xác con người. Thí
dụ, sự tự do bị giới hạn hay “bị ô nhiễm” (“contaminated”) nặng nề,
nếu ta bị bệnh nặng thí dụ như bệnh lao. Một loại thực kiện khác là
hoàn cảnh sinh sống trong một xã hội nhất định vào một giai đoạn nào
đó của lịch sử. Một người nô lệ, một người lao động chân tay, một
công nhân trong một công xưởng dây chuyền, một phụ tá thương mại,
một bà lau dọn nhà cửa, hay một “phục viên giới tính”, có thể có
những lựa chọn giới hạn về việc hoạt động thế nào trong hoàn cảnh
kinh tế xã hội của mình. Sẽ là một sự lường gạt cay nghiệt nếu ta quả
quyết với họ là họ thực sự có tự do như mọi người khác. Trong ngôn
ngữ trừu tượng của Tồn tại và Hư vô, có thể là như thế − nhưng trong
ngôn ngữ cụ thể và thiết thực, sẽ là không như vậy. Sartre nay bắt đầu
nhìn nhận sự hiển nhiên − thực kiện kinh tế xã hội giới hạn sự tự do
của con người, dẫu nó không tất định mỗi lựa chọn cá nhân. Và Sartre
từ bỏ “tính luân lý trừu tượng”, thiên về một nền đạo đức biết đếm kể
đến những yếu tố thân xác, kinh tế, xã hội, và đặt hy vọng vào sự thay
đổi xã hội (kể cả cách mạng), ít nữa là tùy theo vào sự biến đổi tâm lý
của từng người.
Trong Sổ tay Đạo đức học, Sartre nói lên một số điều ý nghĩa về tư
duy trong sạch và về sự hiện hữu trung thực của con người. Tư duy
trong sạch cho ta khả năng loại đi dự phóng trở nên những hữu thể
giống Thượng đế, điều mà trong Tồn tại và Hư vô được diễn tả như
một đam mê nhất thiết nhưng vô dụng. Cuối cùng ra, chúng ta có thể
chấp nhận tính vô thường của hiện hữu mình, và với một tinh thần
sáng tạo và đại lượng chúng ta có thể đưa lại ý nghĩa và chủ đích cho
đời mình, và qua đó cho thế giới:
... một con người trung thực không bao giờ đánh mất những mục
đích tuyệt đối của điều kiện làm người... giải cứu thế giới (bằng cách
làm cho nó tồn tại), làm cho sự tự do là nền tảng của thế giới, nhận
trách nhiệm đối với tạo thành, và làm cho khởi nguyên của thế giới
nên tuyệt đối thông qua sự tự do tìm cách duy trì nó. (Sổ tay, tr. 448).