Điều gì nơi con người làm cho lý tính như thế trở nên khả thực?
Platon và Descartes nghĩ rằng chúng ta có linh hồn bất tử (hay chính
xác hơn, chúng ta thiết yếu là những linh hồn bất tử), và nhiều người
nghĩ rằng, bản tính đặc biệt thuần lý của chúng ta bởi thế nằm ngoài
biên giới khảo sát khoa học. Vấn đề nhị nguyên thâm căn cố đế này
hay học thuyết duy vật đối nghịch phải được nhìn trực diện. Có phải
tinh thần, ý thức và lý tính bao hàm sự hiện hữu của tinh thần hay linh
hồn phi vật chất, hay chúng ta được làm nên chỉ bởi vật chất? Có phải
những trạng thái tinh thần của chúng ta − cảm giác, cảm xúc, mơ
mộng, tưởng tượng, tin tưởng, ham muốn − thuần túy là một sản phẩm
của những gì xảy ra trong bộ não của chúng ta mà các nhà sinh học
thần kinh khảo xét?
Dĩ nhiên đây không phải là nơi giải quyết vấn đề tranh luận cố hữu
này. Nhưng tôi đánh bạo gợi ý rằng, Aristoteles và Spinoza đã cung
ứng cho ta một vài nét phác thảo cho một tiếp cận có hứa hẹn. Như
chúng ta đã xem trong chương 5, Aristoteles quan niệm thể thức hoạt
động thuần lý của con người như được đặt lên trên thể thức hoạt động
của thú vật, thể thức hoạt động của thú vật lại được đặt lên trên thể
thức hoạt động cơ bản chung cho mọi sinh vật, kể cả cây cỏ. Điều gì
làm cho những quan năng ngôn ngữ và thuần lý của chúng ta nên khả
thực? Chắc chắn là do bộ não của chúng ta, nó được phát triển hơn
nhiều so với bộ não của các thú vật. Những bộ não mạnh mẽ như thế
hẳn chắc đã được phát triển như một thích nghi làm cho các tổ tiên
giống loài khỉ không đuôi của chúng ta có khả năng sống còn và tái
sản xuất trong những môi trường xã hội phức hợp và thay đổi.
Câu chuyện Kinh thánh về người nam và người nữ được dựng nên
“theo hình ảnh của Thượng đế” và được ban cho “quyền uy” trên phần
tạo thành còn lại (sách Sáng thế 1:27-28) hàm chứa một số khác biệt
cực kỳ quan trọng giữa chúng ta và mọi thú vật khác. Nhưng còn cần
phải làm sáng tỏ, điều khác biệt đó đích thực là gì. Đối với nhiều nhà
hữu thần, vẫn còn có một khuynh hướng giả định một (những) tầm