động để thực hiện điều đúng, hơn là để tìm lợi ích, như thế có thể là
một khiên mộc che chắn trước những thất vọng của cuộc sống. Tâm
trạng của lòng nhân ái biểu thị đặc điểm một tâm trong sáng, thanh
thản, vô ưu trước những may hay rủi mà mình không trực tiếp kiểm
soát được. Công chính là phần thưởng, một phần thưởng an vui vượt
trên mọi hoàn cảnh sinh sống xã hội. Kể cả khi mọi nỗ lực của mình
không được biết đến, khi thực hành nguyên tắc “hành động không vì
mục đích gì”, ta sẽ không bao giờ cảm thấy phật lòng: “Người ta
không biết mình, mình không vì thế mà buồn mà giận, há không phải
là bậc quân tử sao?”/“Nhân bất tri, nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?”
(I.1).
Ngoài ra, nguyên tắc hành động này còn thúc đẩy ta kiên trì hành
động cho sự công chính trong một thế giới ít biết đánh giá nó. Chính
Khổng Tử cũng đã được mô tả như một “kẻ kiên trì làm việc cho một
mục đích mà việc thực hiện hầu như vô vọng”/“Thị tri kỳ bất khả, nhi
vi chi giả dư” (XIV.41). Tin vào Đạo Trời không tùy thuộc vào kết quả
trong một xã hội được đánh giá bằng địa vị và nhìn nhận. Ta nhớ lại,
chính Khổng Tử cũng không đảm bảo được cho mình một vị trí chính
trị có thể đưa lại cho ông sự nhìn nhận và cho phép ông đưa tư tưởng
của mình ra thực hiện. Ông nói trong Luận Ngữ (XVII.7): Một người
có thể tìm cách đi vào chính trị bởi đơn giản biết rằng việc đó là một
điều đúng, mặc dầu cũng ý thức được rằng những nguyên tắc hành
động của mình sẽ không thắng thế: “Quân tử chi sĩ dã, hành kỳ nghĩa
dã; Đạo chi bất hành, dĩ chi tri hỹ” [Đoàn Trung Còn dịch: Người
quân tử ra làm quan là để thi hành cái nghĩa lớn... Còn Đạo mà chẳng
làm được, thì chúng ta hẳn đã biết rồi”, sđd., ND].
Điều này liên hệ đến khái niệm Định mệnh đã được bàn đến trong
phân đoạn đầu của chương này. Thành công xã hội là một việc của
Định mệnh, bởi vậy Khổng Tử kết luận sẽ là vô ích nếu theo đuổi nó.
Còn liêm chính đạo đức nằm trong sự kiểm soát của chính mình, và
thực ra nó là điều độc nhất đáng được theo đuổi trong cuộc sống. Ta