(3) Khổng Tử có lần được hỏi, việc đầu tiên ông sẽ làm là việc gì,
nếu như ông được giao cho trách nhiệm cai trị một nước. Khổng Tử
trả lời: “Ắt là ta sẽ làm cho ra chính danh”/“Tất dã chính danh hồ”
(XIII.3). Làm cho ra chính danh nghĩa là làm cho phù hợp giữa tên và
thực tại. Sự chỉnh sửa này là cần thiết, bởi nếu không có sự phù hợp
giữa tên và thực tại, hay giữa lời nói và việc làm, thì nhiều điều sẽ mất
đi. Đối với Khổng Tử, tên chuyên chở một số ngụ ý, và những ngụ ý
này cấu tạo chính cái yếu tính của sự vật mang tên. Thí dụ, khi vua
Cảnh công nước Tề hỏi đức Khổng Tử về cách cai trị, Khổng Tử đã
trả lời: “Làm cho vua ở hết phận vua, tôi ở hết phận tôi, cha ở hết phận
cha, con ở hết phận con”/“Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”
(XII.11). Khái niệm về “con”, chẳng hạn, như ta đã xem, có nghĩa
nhiều hơn chỉ là một chỉ định sinh vật học. Tên bao hàm một số thái
độ và trách nhiệm thiết yếu cho một hiện hữu hòa hợp. Hơn nữa,
không có sự nối kết giữa tên và thực tại, giữa lời nói và thực hành, sẽ
không có sự tin tưởng đích thực. Đó là định nghĩa của sự dối trá.
Sau khi nghe lời dạy của Khổng Tử về cách cai trị tốt, vua Cảnh
công đã kêu lên: “Ngài nói phải thay! Nghĩ như vua chẳng ra vua, tôi
chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, [ở trong tình cảnh
hỗn loạn như thế: chú giải của Đoàn Trung Còn nhắm vào hoàn cảnh,
sđd., ND], dầu ta có lúa đầy kho, có chăng được ngồi yên mà ăn
chăng?”/“Thiện tai! Tín như quân bất quân, thần bất thần, phụ bất phụ,
tử bất tử, tuy hữu túc, ngô đắc nhi thực chư?” (XII.11). [David L.
Haberman, tác giả chương sách này chú giải nhắm vào nội dung sự
tương quan giữa tên và thực tại, ND] Tên gọi “hạt lúa” và sự “khả
dụng của hạt lúa” là hai điều khác nhau, vậy người ta có thể bị đói, bởi
kho lúa có thể bị khóa cửa hoặc hơn nữa đã trở nên trống rỗng. Lời nói
thì dễ đưa ra; nếu một người hay một chính thể dùng lời nói để che
đậy sự thật, thì hỗn loạn xã hội sẽ xảy ra. Tin cậy là một yếu tố thiết
yếu cho mọi tương quan xã hội vững bền. Bởi vậy, người có nhân văn