đắn, và như thế nó là một thành tố thiết yếu trong việc giáo dục đạo
đức. Tri thức về lễ tiết tác động như một khoa hướng dẫn vượt ra
ngoài những khuôn phép hành động chung chung do sự hiểu biết cá
nhân lấy mình làm thước đo cho việc hành xử. Và như thế, quyền lợi
bản thân cuối cùng phải được kết hợp với lễ tiết để đạt được sự hoàn
thiện đạo đức. “Làm theo lễ tiết, thông qua sự vượt thắng bản thân,
điều đó tạo nên đức nhân”/“Khắc kỷ, phục lễ, vi nhân” (XII.1).
Tuân giữ những quy tắc này, con người sẽ vượt lên trên tư lợi. Lễ
tiết là tổng bộ những quy tắc đã được chắt lọc từ những quan điểm đạo
đức trong quá khứ và hướng dẫn hành động đến hoàn thiện. Lễ tiết đặt
trên nền tảng nào, và làm sao ta biết được chúng? Chúng được đặt trên
nền tảng các Kinh sách cổ điển, và ta có thể biết được chúng nhờ học
tập. Và như thế, sự tương kết những tư tưởng của Khổng Tử được thấy
rõ. Hoàn thiện đạo đức, hay lòng nhân ái, được biểu hiện bằng cách
nương theo lễ tiết, và lễ tiết được hiểu biết bằng cách học tập theo
Kinh sách cổ điển, những Kinh sách này là diễn đạt Đạo Trời được thể
hiện nơi các hiền nhân.
Đoạn văn toát yếu con Đường hoàn thiện: Có lẽ đoạn văn ý nghĩa
nhất trong các đoạn văn được ghi lại trong Luận Ngữ là đoạn văn đưa
ra như một bản chỉ dẫn toát yếu nói về con Đường hoàn thiện như đã
được nhận định trong Khổng học sơ thủy. “Đức Khổng nói: Hồi mười
lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học; đến ba mươi tuổi, ta vững
chí tự lập; được bốn mươi tuổi, ta chẳng còn nghi hoặc; qua năm
mươi tuổi, ta biết Mệnh Trời; đến sáu mươi tuổi, tai ta thuận thục hiểu
biết; được bảy mươi tuổi, tâm ta dầu có muốn sự gì cũng chẳng hề sái
phép”/“Ngô thập hữu ngũ, nhi chí vu học; tam thập nhi lập; tứ thập
nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận;
thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ” (II.4). Ở đây, Khổng Tử nói,
hồi tuổi mười lăm ông đã nghiêm túc học tập Kinh sách cổ điển; điều
đó giúp ông hiểu biết Đạo sống của hiền nhân, và cũng nhờ đó ý thức
được lễ tiết – hình thức thể chế của cách hành xử hoàn hảo. Đến ba