quanh, khơi sang phương đông thì chảy sang phương đông, khơi sang
phương tây thì chảy sang phương tây; tính người không phân biệt
thiện hay bất thiện, cũng như nước không phân biệt phương đông
phương tây vậy”. Mạnh Tử, trái lại, nhấn mạnh rằng Bản tính con
người tự tính là thiện, ông phản bác Cáo Tử và giải thích: “Nước đành
là không phân biệt phương đông phương tây, nhưng lại không phân
biệt chỗ cao chỗ thấp à? Tính người ta vốn là thiện, cũng như nước
vốn chảy xuống chỗ thấp; người ta không ai là không thiện, cũng như
không có nước nào là không chảy xuống chỗ thấp” (VI.A.2).
Cái cốt lõi trong học thuyết của Mạnh Tử về Bản tính con người tự
tính là thiện liên hệ đến nhận thức của ông về cái tâm của con người.
Đối với Mạnh Tử, cái tâm biết suy tư và có lòng thương xót
(“thinking, compassionate heart”) của con người là một tặng phẩm từ
Trời: “Việc của tâm là biết suy nghĩ, biết suy nghĩ thì biết được đạo lý,
không biết suy nghĩ thì không biết được đạo lý... Tâm là tặng phẩm
Trời phú ban cho ta” (VI.A.15). Cái tâm biết suy tư và có lòng thương
xót là điều định nghĩa cho “nhân tính” thiết yếu của chúng ta và đặt
chúng ta tách biệt ra khỏi hàng thú vật: “Kẻ không có lòng thương xót
(trắc ẩn) không phải là người; kẻ không có lòng thẹn và ghét (tu ố)
không phải là người; kẻ không có lòng nhún nhường (từ nhượng)
không phải là người; kẻ không có lòng biết phải trái (thị phi) không
phải là người”/“Vô trắc ẩn chi tâm, phi nhân dã; vô tu ố chi tâm, phi
nhân dã; vô từ nhượng chi tâm, phi nhân dã; vô thị phi chi tâm, phi
nhân dã” (II.A.6).
Bốn đặc điểm của cái tâm suy tư và có lòng thương xót trên đây
được Mạnh Tử gọi là “bốn đầu mối” (“tứ đoan”): Đoan là đầu mối,
mối đầu, nguyên nhân, khuynh hướng, mầm giống (“seeds”), được
Mạnh Tử so sánh như bốn chi thể chân tay mà con người tất phải có:
“Nhân chi hữu tứ đoan dã, do kỳ hữu tứ thể dã” (II.A.6). Nếu không bị
cấm cố án ngữ và được cẩn thận chăm sóc, những mầm giống này sẽ
phát sinh thành “bốn đức hạnh” rất được truyền thống Khổng giáo