(B) Tuân Tử: Người phản biện mạnh nhất đối nghịch với Mạnh Tử
là Tuân Tử, một triết nhân Khổng giáo quan trọng, sinh hạ vào những
năm cuối đời Mạnh Tử. Tuân Tử chủ trương rằng, thế giới nội tâm của
chúng ta được chế ngự bởi những xung lực sinh động của ham muốn.
Vấn đề cơ bản của con người đối với Tuân Tử là những thúc bách của
bản năng sinh lý là không có giới hạn rõ rệt. Tự nhiên đã cho ta những
ham muốn vô giới hạn trong một thế giới tài nguyên có giới hạn. Tuân
Tử viết: “Con người được sinh ra với nhiều ham muốn. Nếu các ham
muốn không được thỏa mãn, con người sẽ không thể không đi tìm
những phương tiện để thỏa mãn chúng. Và nếu việc tìm kiếm này là
vô giới hạn và bất chấp cường độ, thì chắc chắn sẽ xảy ra tranh giành
đụng độ với người khác” (Hsun Tzu/Watson: section 19, p.89).
Với quan điểm trên đây, Tuân Tử đã đưa ra một khẳng định về Bản
tính con người hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của Mạnh Tử:
“Tính của người ta vốn ác, nó mà hóa thiện được là do công của người
ta” (Hsun Tzu/Watson: section 23, p.157; Tuân Tử/Nguyễn Hiến Lê,
354, ND]. Tuân Tử biết rõ quan điểm của Mạnh Tử, nhưng nhấn mạnh
nói rằng quan điểm của Mạnh Tử là sai: “Mạnh Tử cho rằng Bản tính
con người tự tính là thiện và sự ác xảy ra bởi con người đã đánh mất đi
tính thiện của mình. Một quan điểm như thế, theo tôi, là sai” (p.158).
Tuân Tử thay thế học thuyết “tứ đoan” (“bốn mầm giống”) của Mạnh
Tử bằng học thuyết “bốn khuynh hướng” của ông là lợi ích, ghen tị,
thù hằn và ham muốn; những khuynh hướng này, nếu để trong trạng
thái tự nhiên của chúng, sẽ làm dấy lên “bốn điều ác” là xung đột, bạo
lực, tội phạm và phóng đãng. Những tệ nạn này, ông nhấn mạnh, là
bẩm sinh trong mọi người, nên con đường theo đuổi bản tính tự nhiên
của mình sẽ dẫn đưa con người đến sự ác: “Bất cứ người nào sống
theo bản tính tự nhiên và dung dưỡng cảm xúc chắc chắn sẽ lao mình
vào tranh cãi và xung đột, sẽ xâm phạm những thể thức và lề luật của
xã hội, và kết thúc đời mình như một tội phạm” (p.157).