Tuân Tử viết tiếp, so sánh con người tội phạm như một tấm ván
cong vẹo: “Một tấm ván cong vẹo phải đợi cho đến khi nó được uốn
nắn lại thành ngay thẳng, phải ướp hơi nóng [cho nó mềm], phải nắn
vào khuôn [cho nó ngay], sau đó nó mới được thẳng, bởi tự nó là cong
vẹo” (Hsun Tzu/Watson, p.164; Tuân Tử/Nguyễn Hiến Lê, 354, ND].
Điều bất ngờ, Tuân Tử lại là một người lạc quan về khả năng hoàn
thiện của con người, bởi ông cũng tin rằng, với giáo dục và rèn luyện,
mọi người cũng có thể trở nên hiền nhân: “Người ngoài đường [người
dân thường] cũng có thể thành vua Vũ [bậc thánh vương]” (p.166;
Tuân Tử/Nguyễn Hiến Lê 361, ND].
Vậy điều gì, chúng ta có thể tự hỏi, làm biến đổi tấm ván cong con
người trở nên tấm ván thẳng hiền nhân, hay ít nữa là trở nên một công
dân đích thực? Nghĩa là, điều gì xác định tấm ván thẳng cho con
người? Sau lời nhận định về tấm ván cong, Tuân Tử viết tiếp: “Cũng
vậy, bởi bản tính là ác, nên con người phải nhờ vào sức mạnh chỉ bảo
của các vua chúa hiền nhân và sức mạnh chuyển đổi của các nguyên lý
lễ nghĩa; chỉ như thế con người mới thể hiện được trật tự và phù hợp
với tính thiện” (Hsun Tzu/Watson. p.164). Ở đây, Tuân Tử xác nhận
giá trị căn cơ của học thuyết cơ bản của Khổng giáo; tấm ván thẳng
ngay căn cứ vào lễ tiết, hay “nguyên tắc lễ nghĩa” như được hiểu ở
đây.
Đối với Tuân Tử, lễ nghĩa là sản phẩm từ tác động trí tuệ của hiền
nhân và được sử dụng để kiềm chế và uốn nắn những ham muốn vô độ
của con người. Khi Tuân Tử nói, “thiện hảo là kết quả của tác động có
ý thức”, ông muốn chỉ một cố gắng có ý thức làm chuyển đổi bản thân
nhờ chuyên cần khép mình vào lễ tiết như là những nguyên lý hướng
dẫn đã được tạo nên và thể hiện bởi các hiền nhân trong quá khứ. Tuân
Tử hẳn đã là một trạng sư cho “văn hóa trên tự nhiên” (“culture over
nature”), bởi lễ tiết không phải là một thành phần thiết yếu của Bản
tính con người. Tất cả những gì lành thiện đều là sản phẩm từ cố gắng
có ý thức của con người. Sự kiện chúng ta có hai tay là điều tự nhiên,