nhưng đức hạnh chỉ đến với cố gắng chuyên cần của con người. Đối
với Tuân Tử, sự áp dụng chăm chú các lễ tiết không tự nhiên là chìa
khóa cho việc thể hiện sự hoàn thiện của con người: “Về phương diện
Bản tính con người, thì hiền nhân cũng giống như mọi người và không
vượt trội gì hơn họ; nhưng chỉ vì hoạt động có ý thức của mình, hiền
nhân trở nên khác và vượt trên những người khác” (p.161). Vì vậy,
hiền nhân, đối với Tuân Tử, là một con người mà bản tính đã được
triệt để chuyển đổi nhờ vào lễ nghĩa của Khổng giáo.
Sự tương khắc giữa Mạnh Tử và Tuân Tử thật đầy ấn tượng. Mạnh
Tử tin rằng, đạo đức tự tính có trong tâm ta, trong khi Tuân Tử lại
nghĩ rằng, đạo đức là điều không tự nhiên thấm nhập từ bên ngoài vào
trong ta. Dẫu sao, chúng ta cũng thấy được có một thỏa hiệp nào đó
trong tư tưởng của Tuân Tử và Mạnh Tử làm cho cả hai là người của
Khổng giáo. Cả hai đồng ý là con đường hiền nhân bao hàm lễ nghĩa
Khổng giáo, mà phương cách thích ứng của hành động đặt trên cơ sở
của sự hành xử mô biểu (hình mẫu, paradigmatic) phát xuất từ các
hiền nhân trong quá khứ. Đối với Tuân Tử, lễ nghĩa tác động như một
tấm ván nắn thẳng làm chuyển đổi con người cong vẹo trở nên những
công dân thẳng ngay và nhân ái, trong khi đối với Mạnh Tử, chúng tác
động đúng hơn như một khung ép nhằm giữ cho chiếc quần vợt bằng
gỗ khỏi bị cong vẹo; mặc dầu tự bẩm sinh đã có, cái tâm lòng thương
xót có thể trở nên vặn vẹo nếu không được củng cố tăng sức nhờ
thường xuyên tuân theo các nghi lễ. Mặc dầu hai triết nhân mạnh mẽ
bất đồng trong lý thuyết, họ lại hoàn toàn đồng ý trong thực hành. Sự
hoàn thiện của con người được thể hiện thông qua một tiến trình tuân
thủ những hành động và nhận thức mô biểu của các hiền nhân trong
quá khứ.
TRANH LUẬN VỚI PHÊ PHÁN
Chúng ta có thể kết thúc chương dẫn nhập vào Khổng giáo này với
một số bình luận nhằm làm nổi bật lên một số điểm có thể phê phán đã
phần nào được ám chỉ hoặc gợi lên trong phần trình bày của chúng ta.