Từ ngữ brahman bắt nguồn từ gốc tiếng Phạn: căn tự brh có nghĩa
là “lớn lên”, “phát triển”, tăng trưởng”. Mặc dầu trong sử dụng đầu
tiên, từ này được phối hợp với những linh ngôn, với dòng thời gian từ
này được đồng nhất với chính năng lực chuyên chở thế giới. Trong
thời gian các Áo nghĩa thư, từ này được định vị trong ý nghĩa chính
của nó là “Thực tại tối hậu”, nguyên nhân nguyên thủy của hiện hữu,
hay là cơ sở tuyệt đối của tồn tại. Brahman được nhận diện như yếu
tính tinh chất tràn ngập toàn thế giới. Nó là toàn thể của mọi thực tại,
hiển thị cũng như không hiển thị. Một đoạn văn lừng danh khác trong
Brihad Aranyaka Upanishad miêu tả đúng sự truy tìm siêu hình cho
cơ sở thuần nhất của hiện hữu được kết thúc nơi brahman (3.9.). Bởi
đoạn văn này đưa lại một nhận thức sắc bén về thần học Ấn Độ giáo,
nên tôi sẽ trích dẫn toàn văn.
Đoạn văn mở đầu với một nhân vật tìm kiếm tên là Vidagdha
Shakalya đặt câu hỏi với hiền nhân Yajnavalkya về số các thần linh
hiện hữu. “Có bao nhiêu thần linh ở đây?”, ông hỏi. Yajnavalkya trả
lời lần đầu: “Ba và ba trăm, và ba và ba ngàn”. Không thỏa mãn với
câu trả lời, Vidagdha hỏi tiếp.
− “Vâng, dĩ nhiên”, ông nói, “nhưng thực sự, thưa ngài
Yajnavalkya, có bao nhiêu thần linh ở đây?”− “Ba mươi ba”.
− “Vâng, dĩ nhiên”, ông nói, “nhưng thực sự, thưa ngài
Yajnavalkya, có bao nhiêu thần linh ở đây? − “Sáu”.
− “Vâng, dĩ nhiên”, ông nói, “nhưng thực sự, thưa ngài
Yajnavalkya, có bao nhiêu thần linh ở đây?”−“Ba”.
− “Vâng, dĩ nhiên”, ông nói, “nhưng thực sự, thưa ngài
Yajnavalkya, có bao nhiêu thần linh ở đây?”− “Hai”.
− “Vâng, dĩ nhiên”, ông nói, “nhưng thực sự, thưa ngài
Yajnavalkya, có bao nhiêu thần linh ở đây?”− “Một rưỡi”.
− “Vâng, dĩ nhiên”, ông nói, “nhưng thực sự, thưa ngài
Yajnavalkya, có bao nhiêu thần linh ở đây?”− “Một”.