cả mọi sự vật” (4.4.5). Trực tiếp tương phản với mệnh đề “không này,
không nọ” (“neti neti”), đoạn văn trên tiếp tục: “Nó được cấu thành
bởi cái này. Nó được cấu thành bởi cái nọ”. Hai cách diễn tả khác
nhau này về brahman dẫn đến những cách hiểu khác nhau về thế giới
và về bản thân, điều này đến lượt nó lại đưa đến những khác biệt quan
trọng trong việc thực hành tôn giáo. Hai trong những giải thích quan
trọng nhất về Áo nghĩa thư sẽ được trình bày trong tiết cuối cùng của
chương sách này.
HỌC THUYẾT VỀ BẢN TÍNH CON NGƯỜI
Sự kiện nhìn nhận rằng, tất cả mọi sự việc của cuộc sống đều là
tương kết, bao hàm nhiều liên hệ tương ứng với một học thuyết về
Bản tính con người. Theo Brihad Aranyaka Upanishad, bà con thân
thuộc với ta không phải chỉ là những con người, mà còn là tất thảy
mọi thực thể khác.
Bản thân − tự ngã − atman: Áo nghĩa thư này dạy rằng, bản thân
− hay tự ngã − thiết yếu của con người được triệt để kết nối với mọi
thực thể. “Bản thân trong tất cả chính là bản thân này của ngươi”
(3.5.1). Bản thân tối hậu – Áo nghĩa thư dùng từ atman – do đó không
phải là một đơn vị tự trị hoạt động tách rời khỏi các thực thể khác,
nhưng đúng hơn là một thành phần của một mạng lưới tương kết bao
la của thực tại. “Cái tự ngã đích thực này [atman] là thần thánh và là
vua chúa của mọi thực thể. Cũng như mọi nan hoa xe (tăm xe) được
nối chặt với trục xe và vành xe làm thành bánh xe, thì mọi thực thể,
mọi thần thánh, mọi thế giới, mọi hơi thở, và mọi thân thể này cũng
đều được gắn chặt vào cái tự ngã của ta” (2.5.15). Bản văn nói rất rõ,
rằng cái tự ngã đích thực không chỉ làm sinh động mọi thực thể, mà
còn là không thể phân ly ra khỏi toàn thể thực tại (2.5.1-14). Tự ngã là
tất cả, và tất cả là tự ngã.
Bản thân − tư ngã − ego − ahamkara: Các Áo nghĩa thư dĩ nhiên
cũng nhìn nhận có một tự ngã nhất thời và tách biệt khỏi các tự ngã
khác. Tự ngã này được gọi là ego (ahamkara: tư ngã), đồng nhất với