lòng cảm thương, túi khôn mong giúp ích cho đời sau, tấm lòng mong bộc
bạch với người sau… (Trước đèn)
Cái túi khôn và tấm lòng của người thiên cổ để lại cho thế gian, Lãng Nhân
đã ân cần nhận lấy, góp thêm công khó của chính mình để “túi khôn” và
“tấm lòng” được toả rộng ra tám trời, bốn hướng.
Lãng Nhân đã hao phí rất nhiều hơi sức và thời gian với sách vở. Đọc cả
một xe sách để chỉ lấy về phần mình vài suy nghĩ văn chương của mình
những bước đi riêng trong khung cảnh đặc biệt của “nước An Nam” đang
bị ngoại bang và phong kiến tiếp tay bóc lột, áp bức. Do đó, lời văn và tư
tưởng gói ghém trong mỗi dòng, mỗi chữ đều toát ra nỗi giận hờn, muốn
khóc mà không được, muốn kêu gào nào biết có ai nghe? Vì biết rõ hoàn
cảnh và mục tiêu cần đạt tới nên Lãng Nhân không hấp tấp, vội vã, cứ nhởn
nha tiến tới như một kẻ phiếm du trong khu rừng cấm, tìm cách mở đường
cho kẻ đi sau.
Cuộc nhân sinh vốn ngắn ngủi. Thời gian, hai tiếng đó như lưỡi dao thật
sắc, cắt dần con người từng chút, từng chút mà nạn nhân không hề biết đau
đớn:
“Ai chế ra đồng hồ, thực đã có công hình dung được thời gian, nhưng có
ngờ chăng là đã chuốc cho người đời bao nhiêu lo lắng!
Hai chiếc kim sắt nhọn, lúc nào cũng đon đả đua nhau thái nhỏ đời ta ra
làm trăm ngàn mảnh vụn. Mỗi tiếng tích tắc nghe như tiếng nhấm, tiếng
gặm, thủng thẳng, lạnh lẽo, tựa hồ điềm nhiên nhắc vào tai ta rằng: đây là
một giây, một phút của đời ta đã tách ra và rơi mất vào khoảng không vô
tận.” (Trước đèn)
Sở dĩ Lãng Nhân phải viết ra, cốt để lưu ý thiên hạ đừng bao giờ phải nhắc
lại câu nói của Oscar Wilde: “Cái bi kịch của người ta lúc về già, là tuổi già
rồi mà lại thấy mình còn trẻ” (Trước đèn).
Chẳng đến hôm nay vấn đề tình dục mới trở thành thắc mắc đối với thế hệ
trẻ. Nó đã có từ lâu. Nó hiện diện trong sử sách, trong dòng thời gian miên