MƯỜI KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ - Trang 14

“Nhiều khi yên lặng còn là cách ôm kín nỗi lòng: gặp trường hợp khó khăn,
không giãi hết được với mọi người, cũng không giãi riêng được cả với ai,
âu đành ‘nỗi lòng kín chẳng ai hay’, chịu cho đau thương cắn rứt trong yên
lặng, như một vết rạn nhấm dần. Thấy vết rạn li ti, ai có ngờ bình kia đã vỡ
mà hiểu vì đâu đóa Mã tiên úa héo khô dần” (Trước đèn).

Cái “bình tâm hồn” của Sully Prud’homme đã rỉ hết nước làm khô đóa Mã
tiên của tình yêu, cái bình tư tưởng của Lãng Nhân cũng khô cong suy nghĩ
vì bức tranh tâm cảnh do Hồ Xuân Hương phác hoạ:

“Tựa gối chẳng hề lên một tiếng
Ôm đàn mà vắng cả năm cung.”

Lãng Nhân, trong vũng lầy thời đại, đã cố công dùng vợ chồng để phá vỡ u
mê mong tìm chân lý cho người đời chung hưởng. Nhưng văn chương Lãng
Nhân ở một cung bậc cao quá, trí thức quá, nên chuyển cái thực, cái đúng,
cái phải, cái cần, trở thành nghi hoặc đúng như nhận xét của Vũ Ngọc Phan
viết về Lãng Nhân qua tác phẩm Trước đèn trong tập Nhà văn hiện đại xuất
bản năm 1943 tại Hà Nội. Lãng Nhân nên coi đó là một vinh dự vì nền văn
chương Đông phương mới chỉ đi vào kỷ nguyên nghi hoặc trong ít năm gần
đây, Lãng Nhân đã nói tới nó từ 40 năm.
Từ Trước đèn viết trong Đông Tây 1931 đến Chuyện vô lý đăng ở Đông
Dương Tạp chí năm 1937 do Nguyễn Giang, thứ nam nhà văn hào Nguyễn
Văn Vĩnh, làm chủ nhiệm, Lãng Nhân đã chuyển văn chương từ địa hạt
triết lý qua địa hạt hành động, nghĩa là nhắm thẳng vào từng việc, từng
người với từng sự kiện hiển nhiên phô bày giữa cuộc sống. Phương pháp
hành văn vẫn như vậy, thật ngắn, thật gọn, thật súc tích, thâm trầm và tế
nhị. Đọc văn Lãng Nhân người ta thấy tác giả phải khổ công chẳng những
tìm đề tài mà còn ở vấn đề lựa lời, chọn chữ. Mỗi chữ được Lãng Nhân
“cầm” tới, trở thành có giá trị và đổi ngay trọng lượng, đang nhẹ tênh tênh,
bỗng nặng trĩu mắt.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.