Đó, tất cả cái sáng láng, cái tinh hoa của Đinh Hùng trình bày với người
đọc những nỗi niềm mà người thơ thổ lộ qua vần, qua điệu. Đinh Hùng
muốn vượt thoát hình hài, vượt thoát hoàn cảnh để tự do múa lượn trong
cõi trường mộng, vì cuộc đời có khác gì mộng ảo?
Thơ Đinh Hùng chính thực không hoàn toàn mang tính chất quái dị, đúng
ra, nó hình dung những siêu thoát, những nhiệm mầu mà con người trong
khi thất vọng thường bám víu lấy để cầu mong an ủi. Người thơ đi tìm bản
thân trong chiều sâu tâm giác, trong ngôn ngữ xuất thần với suy tư dấy loạn
nội tâm. Do đấy, lời thơ Đinh Hùng bao giờ cũng vượt qua được bức
trường thành nhân thế để chiếu từng tia sáng mong manh nhưng sắc bén
giữa những tâm hồn đồng điệu:
“Khi mùa Xuân buông dài trước cửa
Khi nắng chiêm bao khẽ chớp hàng mi
Khi những con thuyền chở mộng ra đi
Giấc mộng phiêu lưu như bầy hải điểu
Kỷ niệm trở về nắm tay nhau hiền dịu
Ngón tay thơm vàng phấn bướm đa tình
Anh sẽ tìm em như tìm một hành tinh
Mặc trái đất sẽ tan vào mộng ảo…”
(“Đường vào tình sử”)
Tình yêu vẫn có uy lực dẫn dắt thi nhân đi vào muôn ngàn lối ân tình. Dù
trái đất có tan vào mộng ảo, dù buổi chiều nào tận thế, dù mùa thu phôi
pha, mùa đông tàn phế, ta vẫn vì em mà sống đời ngư phủ, thả con thuyền
trên mái tóc em buồn lênh đênh và sau cùng để chiêm ngưỡng Em như
chiêm ngưỡng một hành tinh xa lạ.
Phải nhận rằng, trong tập Đường vào tình sử (Nam Chi Tùng Thư xuất bản,
1961), hơi thở của Đinh Hùng đã phần nào là buông cung điệu và nỗi hoài