con rạch Thuồng Luồng, rạch Cái Cau, rạch Bình Thuỷ và nhiều con rạch
khác có những tên nghe lạ tai nhưng gợi lên từng âm hưởng xa vời. Và ánh
sáng của đời sống chỉ là cái thếp đèn thắng bằng dầu cá, còn công viên là
những cánh rừng tràm xanh ngắt, nơi “chướng khí mù như sương” và xác
lá ngập cao hàng mấy thước đã bao nhiêu ngày tháng chẳng ai buồn nhặt.
Sơn Nam, với tâm hồn cố sơ luôn luôn nuối tiếc quá khứ. Anh coi quá khứ
là lẽ sống duy nhất, nên anh bấu víu quá khứ như đứa trẻ dang mười ngón
tay bé nhỏ ôm chặt lấy mẹ hiền, e sợ nếu lỏng tay người mẹ sẽ chạy trốn.
Sơn Nam thiết tha với con người cũ, yêu mến mảnh đất “chôn nhau cắt
rốn” vì thế, tuy giam thân ở trong lòng thành phố đầy cám dỗ của vật chất,
của tiến hóa, mà mỗi khi nhúng bút vào mực thì nỗi buồn sầu xứ lại ứ
nghẹn trong máu, trong tim, rồi than vãn:
“Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?...”
Về cố hương để làm gì? Nếu không phải là sống với hòn Cố Tròn, vùng Mả
Lan, với những xóm Khoen Cà Tưng, xứ Cà Bây Ngộp, với cảnh “dưới
sông sấu lội, trên bờ cọp đua” với cây Huê xà, trái Mù u, lá Năng kim, Ô
rô và cỏ ống, hơn nữa còn có thể chuyện trò với những nhân vật như ông
Từ Thông, ông Năm Xay Lúa, chú Xồi, con Bảy đưa đò, chú Tư Dinh, lão
Bích và các nhân vật rất xa lạ đối với dân thành phố nhưng rất gần gũi với
cuộc sống nông thôn.
Mỗi câu chuyện của Sơn Nam là một bức hoạ đặc biệt và khác biệt từ hình
thể tới màu sắc. Đọc Sơn Nam, ta có cảm tưởng như chính ta đã sống, đã đi
vào từng chi tiết của nếp sống đó. Con người hôm nay bị chi phối quá
nhiều bởi dục vọng. Sự đấu tranh của con người trong cuộc sống hôm nay
quả thật xa cách, xa cách như con đường thiên lý không có trạm dừng chân,
đối với con người hôm xưa, những con người “trên phá sơn lâm, dưới đầm
Hà Bá” đã có công làm cho mảnh đất miền Nam được phì nhiêu bằng cách
bón vào lòng đất mới, xương máu của mình. Người xưa ra đi với chí hướng