quyết liệt, vì sự sinh tồn của kiếp người, những kiếp người nói theo văn
chương hôm nay – sinh ra đời dưới ngôi Sao xấu – nhưng tâm hồn người
xưa thật bao dung, độ lượng. Dòng máu du mục chắc hãy còn xao xuyến ở
trong mỗi phân vuông trên da thịt, nên bản chất của người dân miền Nam
vốn hiếu động. Nhưng trường hợp Sơn Nam là ngoại lệ. Sơn Nam từ chối
hiện tại bằng cách một mình lững thững đi sâu vào dĩ vãng. Cuộc sống nội
tâm đã thúc đẩy, dồn ép Sơn Nam vào chiều hướng nhất định, anh vui vẻ
nhận lấy và tự kiêu hãnh vì mình đã tìm thấy hồn mình trong đó. Anh kể lại
nếp sống xa xưa ấy với tất cả say mê, cởi mở. Sơn Nam viết văn giản dị
như nói chuyện. Câu chuyện tuy quê mùa nhưng không kém tế nhị, sâu sắc.
Những nhân vật của Sơn Nam, trên thực tế, chưa cách biệt với cuộc sống
hôm nay bao nhiêu, mới chỉ độ 3, 4 chục năm trời mà sao, những hình bóng
ấy, qua lời văn của Sơn Nam lại xa ta như những nhân vật trong truyện cổ
tích? Chúng ta vẫn thường gặp họ lang thang trên khắp nẻo đường miền
Hậu Giang, trên các sông ngòi. Chúng ta đã từng ca ngợi họ và viết tên họ
bằng chữ hoa trong trang sử đấu tranh của dân tộc. Mà sao, mà sao ở giữa
lòng thành phố, dưới ánh sáng chói chang do điện lực tạo nên, nhìn họ qua
trang giấy trắng, mực đen, chúng ta có cảm tưởng như nhìn thấy bóng ma,
hoặc những hình thể xa mờ, chập chờn ẩn hiện sau lớp sương mù dĩ vãng?
Chính vì lo sợ một ngày nào những hình bóng thân yêu ấy sẽ biến mất đi,
mất đi vĩnh viễn như xác người, xác vật nát rữa trong mùa nước lụt, Sơn
Nam không thể tàn nhẫn đến độ dửng dưng để mặc cho sự đổ vỡ của nếp
sống xảy ra sau mỗi cơn nước giựt, nên Sơn Nam đã cố gắng làm cho họ,
lớp-người-đi-trước, sống lại trong văn chương, để ghi nhận sự có mặt của
quá khứ, sự có mặt oai hùng và hiển hách. Sơn Nam đã tận dụng tài hoa:
với những ngón tay phù thuỷ anh nhào nặn ra những nhân vật sống động
phản ánh đúng lề lối sinh hoạt của miền Hậu Giang trong giai đoạn chót
của đời sống nô lệ, trong đột khởi của ý thức đấu tranh đòi trả lại tự do cho
kiếp người, đã từng nhân danh con người mà tranh đấu.
Nhưng, điểm cao quý nhất trong tác phẩm của Sơn Nam vẫn là tình thương
đồng loại. Trong cảnh sống cơ cực của bước đầu khai phá, những con
người thương mến nhau qua hoạn nạn, cùng cảm thông với nỗi cơ cực, bần