Đoán được vẻ lo âu sợ hãi ấy, ông Hai Tích ngập ngừng:
“Nói là chôn cho đúng tục lệ chớ đất đâu mà chôn?”
Tứ bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo
trên mặt nước, chờ khi nước giật mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy
mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây,
dằn đá mà neo dưới đáy ruộng…
Thằng Kim đập đầu xuống sàn nhà, hai tay bức tóc:
"Trời ơi, phải biết vậy, ba tôi tới xứ này làm chi…"
Thế là xác lão Bích được neo ở dưới ruộng, thằng Kim đau xót nhìn
mặt nước như con ác thú khổng lồ há miệng nuốt trọn thân xác cha nó
một cách ngon lành, để rồi mai đây tới mùa nước giựt, thịt da của lão
Bích tan vào lòng nước, còn lại nắm xương tàn cũng bị đồng hóa với
xương trâu “len" đi xa chết bệnh dọc đường, không còn ai nghĩ tới,
nhớ tới và bị những luống cày lấp đi cho lúa xạ mọc lên.
Tâm hồn Sơn Nam nghiêng xuống nỗi đau của cuộc đời với lối hành văn
đặc biệt. Người đọc có cảm tưởng nỗi đau ấy là của chính anh. Nhưng
không phải truyện nào của Sơn Nam cũng mang sắc thái u buồn ấy, có
truyện anh viết thật dí dỏm như truyện “Bác vật xà-bông”, có truyện nhẹ
nhàng, súc tích chứa ẩn một triết lý nhân sinh như truyện “Cô Út về rừng”.
Có truyện gần giống truyện cổ hoang đường quái dị của vùng Thất Sơn kỳ
bí như truyện “Miễu Bà Chúa Xứ”. Có câu truyện tình buồn man mác,
thấm thía và đẹp như thơ. Họ yêu nhau vì câu hò, tiếng hát. Họ gặp nhau
như cơn gió, rồi xa nhau cũng nhẹ như một cơn gió. Tiếng hò tha thiết ấy,
qua lời văn của Sơn Nam, hình như đến bây giờ vẫn còn bay bàng bạc trên
mặt sông Cái Lớn, trong rạch Cái Ca để nuối thương mối tình đã mất.
Dưới ngòi bút Sơn Nam, không phải đời sống của nông dân miền Nam
hoàn toàn hiền lành và bao dung tuyệt đối. Họ cũng biết áp dụng triệt để
“luật sống” trong những tháng ngày phải tranh giành miếng cơm, manh áo.
Họ cũng biết dùng thủ đoạn, mánh khóe hiểm độc để hạ nhau như thầy Rắn
Năm Điền ở trong truyện “Cây huê xà”. Nhưng luật nhân quả đã được Sơn