Không một nhân vật nào trong tác phẩm Sơn Nam lại chẳng “để đầu tư cố
hương” dù gặp hoàn cảnh, trường hợp khó khăn đi nữa. Từ giáo Sĩ – chàng
thanh niên có học, trong rương có sách của Nietzsche, của Kant, hai triết
gia Đức, dạy truyền bá Quốc ngữ ở đất Tân Bằng – qua bao nhiêu nổi trôi
rồi cuối cùng cũng lại tắp về đất cũ, vì làm sao mà quên được ngọn núi Ba
Thê, núi Tà Lơn và kho tàng Óc eo với nếp sống hiền hoà và gan dạ của
Bảy Thích. Làm sao quên được hình ảnh ông giáo Kiến, con người yêu đất
nước như yêu thân mình, khi bị tình nghi làm cách mạng đã trốn tránh và tự
thiêu ở hòn Thố Châu để khỏi bị bắt bởi tên cò “Mạc-Te” để giữ tiết tháo
của kẻ sĩ Việt Nam oai dũng trong giai đoạn thê thảm mà thực dân Pháp
cùng phát xít Nhật hè nhau bóc lột, đàn áp dân ta vào những năm 1943-45.
A tòng tội lỗi, còn có những bộ mặt giáo Ngọc, Liễu Hương tiếp tay với
giặc để ức hiếp anh em chòm xóm. Liễu Hương – đứa con gái đáng thương
– hơn một lần lỡ dở tình duyên, bỏ lên Sài Gòn làm đĩ rồi quay về nơi
“chôn nhau cắt rún” để gây rắc rối về tình cảm và khuấy động làm ngầu
đục nếp sống cổ sơ của vùng đất Tân Bằng.
Trong tác phẩm “Chim quyên xuống đất” các nhân vật kể trên tuy không
sống trọn vẹn một đời sống nguyên thuỷ và đặc biệt như các nhân vật của
“Hương rừng Cà Mau” thuở miền Nam mới hình thành, nhưng không vì thế
mà Sơn Nam coi nhẹ những mũi nhọn nghệ thuật xoáy vào tiềm thức người
thưởng ngoạn. Người đọc bắt gặp luôn những hình ảnh sống động và thật
dễ thương dù là văn tả cảnh:
Sương cuồn cuộn tràn tới từ lượn sóng dài. Hàng cây so đũa khuất
hẳn. Rặng trâm bầu có lẽ lù mù đằng kia. Sĩ nhớ kỹ chỗ đó, từ hai năm
nay, lúc mới trồng, cây tơ le te đâm chồi… Lớp sương trôi đến đó dội
lại, rối rắm như dải lụa nhàu nát. Qua rặng trâm bầu, con đường
ngoằn ngoèo không thấy gì rõ rệt nữa. Phía xa kia, trước mặt anh là
phía mái trường thân yêu...
…Tháng này, tháng năm rồi mà sương còn mịt trời như hồi tháng
giêng. Thứ mù sương ở miệt Tân Bằng này, chỗ khác không có. Dày
đặc không thấy đường… không thấy sao trên trời, không thấy trăng,