MƯỜI KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ - Trang 192

Nam tôn trọng để đi đến kết cuộc: kẻ nào làm trái, kẻ ấy sẽ gặp không hay.
Sơn Nam viết thật phong phú. Anh dắt người đọc đi từ trạng thái này qua
trạng thái khác, ở mỗi trạng thái lại nảy ra cá tính riêng biệt như truyện
“Hát bội giữa rừng” đã làm người đọc nửa say mê, nửa bỡ ngỡ với không
khí sặc mùi văn nghệ giữa chốn rừng sâu, chỉ có cá sấu và cọp. Mà lạ thay,
cái “văn nghệ rừng” ấy lại cảm hóa được chúa sơn lâm, đến nỗi khi gánh
hát đi rồi, sân khấu đã tốc nóc, bao nhiêu nọc làm hàng rào đã ngả nghiêng
trên dòng nước, mà đôi cọp vẫn thường tới lui ngồi ủ rũ dựa gốc cây dừa
bên bờ rạch như nhớ tiếc. Có người cho rằng nếp sống văn nghệ của Sơn
Nam không theo kịp thời đại, thời đại đầy dẫy phi lý thoe quan điểm
Camus, thời đại hưởng thụ của Sartre, thời đại đam mê của Sâng hoặc xa
hơn nữa, thế giới trừu tượng của thi ca và hội hoạ, thế giới của những con
người sống vội vã, cuồng nhiệt chạy theo dục vọng qua ánh đèn xanh đỏ.
Nói một cách chính xác hơn, Sơn Nam đã từ chối vòng hoa ân thưởng với
tất cả can đảm vì đã dám sống và sống thực với cảm nghĩ của mình. Sơn
Nam làm văn nghệ vì sự thôi thúc của bản năng, vì nỗi dằn vặt của nội tâm.
Càng đọc anh, chúng ta càng nhận thấy rõ rằng thân phận con người Việt
Nam được phản ánh qua những khung cảnh khắc khổ của thiên nhiên, của
xã hội, cái thiên nhiên và xã hội dưới thời nô lệ như a tòng với nhau để đè
nén con người. Sơn Nam đã truyền vào máu ta từng hơi thở, hơi thở oai
hùng, bất khuất của lớp người đi trước để làm vốn cho người hôm nay, cả
lớp người ngày mai nữa.
Tâm hồn Sơn Nam bình dị, thật bình dị như cỏ cây và thanh thoát như khí
trời. Những lời nói và hành động trong văn chương cũng như giữa cuộc
sống đều toát ra sự hiền hoà, chân thực chẳng riêng với mình, còn với
người. Quê hương miền Nam và kích thước của miền Hậu Giang như gói
trọn trong cơ thể Sơn Nam, nó là những vi ti huyết quản, nó là xương máu,
da thịt. Nó là sự “bất khả lìa”. Nó có đấy, còn đấy và mãi mãi còn đấy. Sự
kiện này được chứng minh ở tâm sự của mỗi nhân vật hiện diện trong văn
chương Sơn Nam. Nói đến văn chương, đích thực Sơn Nam không làm văn
chương mà chỉ sử dụng văn chương để gửi gắm nỗi khắc khoải, nỗi nhớ
thương quê cha đất mẹ, qua những cơn phong ba thời đại.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.