chị thân yêu…
Chị Định chết thật. Chị đã hy sinh cho bao nhiêu người trai trẻ bỏ vùng
kháng chiến trở về thành vì không chịu đựng lâu hơn nữa sự bao vây của
cách mạng với những đợt chỉnh huấn, cải tạo. Chị Định chết giữa mùa
xuân. Chị không bao giờ về căn nhà cũ ở cửa Nam. Chị Định đã nằm xuống
một mình trong khu vực cộng sản. Chị chết tự do. Và cũng kể từ đó “đường
dây” vào thành qua vùng Án Đổ còn có ai thay chị Định?
Toàn tập truyện Tháng Giêng cỏ non ít nhiều gì cũng có dĩ vãng quẩn
quanh mà Mai Thảo sử dụng dĩ vãng như bối cảnh để được tự do phóng
hồn mình, phóng tâm sự mình bằng ngôn ngữ vừa chân thành vừa uất hận.
Mai Thảo viết gọn và sắc, tuy một đôi khi cố tạo nên diêm dúa để trang
hoàng cho cảm nghĩ. Đó là điểm đặc biệt làm người đọc đỡ nản. Mai Thảo
viết rất nhiều truyện ngắn. Ở mỗi truyện, Mai Thảo đều đưa ra một trạng
huống, một hoàn cảnh để dẫn vào y trước. Ngay cả vấn đề tình yêu. Tình
yêu ở trong tác phẩm của Mai Thảo không bao giờ được viết một cách
thoải mái, sự thoải mái cần thiết của ngôn ngữ để chuyên chở ý tưởng dù là
ý tưởng đau buồn. Mai Thảo lạnh lùng phác hoạ trong vòm cong trí tuệ
từng dữ kiện hiển nhiên và mặc nhiên thừa nhận sự tình xảy ra – mà thế
nào cũng xảy ra – sự níu kéo rất vô ích của nguyên vẹn, tròn đầy.
Trong Bầy thỏ ngày sinh nhật, tập truyện do Nguyễn Đình Vượng xuất bản
năm 1965, chứng minh những điều trên xuyên qua cốt truyện và các nhân
vật như Liễu – cô lái đò bất đắc dĩ – đã nhắm nghiền mắt, bằng một tiếng
kêu ngân đi trong im lặng hoang đường xanh biếc xung quanh, nàng cho gã
đàn ông phiêu bồng trong ly loạn phá vỡ cái bờ cuối cùng của đời con gái,
để rồi chết tức tưởi theo con đò, trong lòng sông lạnh dưới lằn đạn của phi
cơ khu trục Pháp.
Có phải chăng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở” nên Phẩm đã ôm súng săn
chờ hổ ba đêm để bảo vệ hạnh phúc lứa đôi với bầy thỏ mừng đứa con đầu
lòng nhân ngày sinh nhật, rốt cuộc bị hổ vồ và cả người lẫn vật đều chết.
Hạnh phúc bơ vơ theo dòng nước mắt biết đến bao giờ khô?