Đoạn văn vào truyện trên, Mai Thảo đã đưa người đọc nhập một thế giới
lung linh, huyền ảo và dòng sông được dùng vừa để biểu tượng cho mệnh
số vừa gây cảm giác cho cái Đẹp cuối cùng của mỗi kiếp nhân sinh.
Nói cho đúng, những truyện ngắn hay nhất của Mai Thảo đều nằm gọn
trong tập Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời. Bút pháp trong tập truyện thật
sống, thật sâu, thật sắc, thật gọn, thật chải chuốt. Nội dung từng câu chuyện
thường thôi nhưng Mai Thảo đã dùng nghệ thuật để tạo nên từng bức tranh
linh động và quý. Mai Thảo gọt từng chữ, nắn từng dòng làm cho hơi văn
tuy nhẹ mà thấm, tuy dàn trải mà vẫn cô đọng. Nội dung truyện “Bản chúc
thư trên ngọn đỉnh trời” không cho người đọc xác định đúng vị trí địa dư
của một khu vực nào trên mặt đất. Nó chỉ là hình tượng, một cái cớ để Mai
Thảo dựng những mốc xung quanh. Ngay cả nhân vật, người đọc cũng
không tìm ra nguồn gốc. Nhưng cái đó không quan hệ, vì mục đích của
truyện không nhằm vào nhân vật và vị trí địa dư mà chính để biểu hiệu một
niềm tin, một ý chí vươn tới đỉnh-cao-đời-sống, một chán nản, một thất
vọng, một tình yêu muôn thuở, chỉ có thể tìm thấy trong tưởng nhớ, trong
cái Đẹp chưa bị hoen ố bởi dục vọng thấp hèn vì nàng chỉ là đứa em bé
nhỏ, yếu đuối và chàng là dòng dõi một gia đình có nhiều lượng máu phiêu
lưu chảy trong huyết quản.
Chàng có đôi mắt sâu như chứa đựng những hoang vu tiền sử, những đỉnh
trời cao ngất không ngó thấy, những không gian buốt lạnh không có dấu
chân và sự sống loài người.
Ánh lửa dị thường mỗi khi cháy lên trong đôi mắt chàng, là một lần làm tôi
hoảng hốt. Chàng ôm tôi trong tay chàng mà linh hồn chàng đã ở tận đâu
đâu, con mắt chàng đã nhìn một cái gì tôi không nhìn thấy.
Tôi yêu chàng như chàng vẫn vậy. Tôi chỉ biết khóc – Tôi chỉ biết nguyện
cầu Đức Mẹ…
(Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời, trang 17-18-19)