Tập sách gồm 8 bài, riêng bài “Căn nhà vùng nước mặn” và “Chuyến tàu
trên sông Hồng” là tác động sâu vào tâm thức người đọc hơn cả.
“Chuyến tàu trên sông Hồng”, Mai Thảo viết về tuổi nhỏ, thứ tuổi nhỏ đáng
yêu lồng trong khung cảnh đẹp.
Con sông Hồng Hà. Như dòng máu đỏ tươi chảy băng băng qua khắp vùng
trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. Bên này bãi lở.
Bên kia bãi bồi. Tiếng sóng giữa dòng trùng trùng ca hát. Tiếng sóng đập
cái tiếng đập mênh mông đầu ghềnh nơi tả ngạn bị hút xoáy mãi những bãi
dâu và những nương khoai vào những chân tre cù. Nơi hữu ngạn ngọn
sóng hiền lành lăn tăn êm ả trên những bãi ngầm nổi hình mùa lũ này qua
mùa lũ khác. Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên dòng trường giang hùng vĩ
chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm dải lụa có trâu đầm từng đàn
dưới bóng đa nghiêng…
(“Chuyến tàu trên sông Hồng”, Căn nhà vùng nước mặn, trang 81-82)
Mai Thảo có lối viết quyến rũ, dù sự việc chẳng có gì nhưng dưới ngòi bút
của Mai Thảo cũng trở thành linh động. Mai Thảo viết thật nhiều, vừa làm
báo vừa viết từ truyện ngắn đến truyện dài.
Ở trong các truyện dài, cái vòm trời quá khứ đầy thơ mộng và những gian
nan của tâm thức với ám ảnh về Cộng sản không còn nữa. Nó bước qua giai
đoạn khác, ở đây, điều kiện và hoàn cảnh đã bắt buộc nhà văn phải nhìn
thẳng vào cuộc sống mà hành động.
Mái tóc dĩ vãng do Tiểu thuyết Tuần san xuất bản 1963 đã cho người đọc
nhận thấy rõ ràng sự chuyển hướng đó.
Không khí trong cuốn sách là một thứ không khí thời đại với các nhân vật
đợt sóng mới như anh em Quyền, Hữu như Thư như Khánh “cô ca sĩ vùng
ngoại ô”, với Hiền, Loan, Francoise và phòng trà, tiệm khiêu vũ, một căn
nhà nào đó có khung cảnh thuận lợi cho ái tình, một Đà Lạt, một Nha Trang
và những nỗi vui buồn gục mặt.