mình để tô điểm sự thật chớ không tạo ra sự thật. Cái đau là ở chỗ đó. Kẻ
nghệ sĩ góp hơi sống của mình vào cái thở rộng lớn của xã hội, dân tộc, nói
rộng ra nữa của nhân loại, nhưng xét cho cùng nếu không có tiếng ve sầu
kêu rỉ rả thì mùa hạ vẫn theo nhịp luân hành mà hiện diện đúng theo chu kỳ
thời gian hạn định mỗi năm, mỗi tháng. Có gì thay đổi đâu? Nhưng tiếng ve
sầu kia là biểu tượng cho đời sống, cho sự có mặt, cho sự góp sức để hình
thành sự tròn đầy của thiên nhiên chao động. Vì thế, chính vì thế, sự hiện
diện của những con người làm văn học nghệ thuật giữa cuộc sống mới còn
có ý nghĩa và tồn tại được.
Một màu xanh của đại dương, của vòm trời, của rặng núi phía xa, tới màu
xanh của ruộng vườn bát ngát, của cánh đồng cỏ rồi đến màu xanh của đọt
cây trồng hai lề hè của thành phố, tất cả các màu xanh đó tuy có khác nhau
về “độ” nhưng “chất” vẫn là một, nó rộng thênh thang suốt một dải quê
hương ta, có thiếu gì đâu mà sao, nó chỉ mất đi một vài hàng cây bên hè
phố mà làm cho những người yêu màu xanh, màu của hy vọng hay tuổi trẻ,
cảm thấy đau nhói đến giận hờn:
Những đồi cây nhỏ mới ở đâu? Hãy mọc và hãy lớn mau lên. Tơ và chỉ
mới, dâu và tằm, kén vàng óng và những thảm hoa xanh nõn ở đâu? Hãy
may. Hãy dệt. Cho một thành phố, cho một thời đại, hãy đặt gấp những
khung cửi, dựng gấp vườn ươm, đan gấp những võng xanh, thêu gấp những
áo biếc. Bởi vì nếu mỗi đời sống chúng ta là hình ảnh một đôi cây, và nếu
thời đại như thành phố đang đổi thay, thì một trận lửa đốt rẫy và một liều
thuốc khai quang đích thực đang hoả thiêu và đang đính dần từng bản án
tử hình lên những màu xanh, những chất xanh và những tính xanh hiền
hậu.
(“Tử hình cho màu xanh”, Khởi Hành, số 22, 25-9-1969)
Cái “chất” văn của Mai Thảo của thơ, rất óng chuốt như những sợi tơ tằm
phơi mình trong một sớm thu có nắng vàng vừa đủ ở mỗi bản đoạn văn,