Ra khỏi thành phố, con đường hẹp dần, xe chen lẫn đoàn cừu, xe la của
những cụ già, cùng những chiếc xe jeep, nên tốc độ giảm xuống. Hai bên
đường là hàng liễu trắng thẳng tắp và những thửa ruộng xanh mơn mởn,
cây trái nặng trĩu cành. Chúng tôi đã trở lại con đường tơ lụa, ngài Huyền
Trang cũng trên con đường này để đi đến Kucha. Tôi muốn tìm hiểu xem
Salim có nhận xét gì về ngài Huyền Trang.
“Sau khi biết mục đích của cô, tôi vội tìm mua quyển Đại Đường Tây
Vực ký, tôi muốn trở thành người hướng dẫn viên. Tôi nghĩ Huyền Trang
trước hết là người Hán, kế là vị cao tăng. Ngài tuy là vị cao tăng tài giỏi,
nhưng đối với chúng sinh thì lại không bình đẳng. Tôi đã xem kỹ nội dung,
trong sách ngài viết có sự thiên lệch về bộ tộc du mục chúng tôi, nhất là
những người không tin theo Phật giáo, ngài cho rằng chúng tôi là những
người thô tục, hung dữ, đầy tham hận. Ngoài ra trong sách ngài còn viết
nhiều sự kiện mang tính tình báo quân sự, không phải chỉ đơn thuần ghi
chép chuyến tây du.”
“Cô xem, ngài Huyền Trang nói thế nào về Qui Tư: Hơn ngàn dặm về
phía đông tây, hơn 600 dặm hướng nam bắc nước Khuất Chi. Chu vi của
thủ đô 17-18 dặm. Có lúa mạch, lúa, xuất khẩu nho, lựu, nhiều lê, lý, đào,
hạnh. Thổ sản: vàng, đồng, sắt, thiếc, chì. Khí hậu ôn hòa, phong tục thuần
chất. Chữ viết theo Ấn Độ, có thay đổi chút ít. Quốc gia an ninh, giao hòa
các nước. Phục trang gấm vóc, tóc ngắn quấn khăn. Hàng hóa dùng tiền
vàng, tiền bạc, tiền đồng nhỏ để trao đổi - một người xuất gia đâu cần biết
nhiều như thế, đây là để cung cấp tin tức cho quân đội Trung Quốc thôi.
Thực tế, trong lời nói đầu, ngài cũng thừa nhận viết theo yêu cầu của hoàng
đế.”
Quan điểm này lần đầu tiên tôi nghe thấy. Salim nói rất hăng say. Anh ta
nói có lý, sau khi ngài Huyền Trang từ Ấn trở về, Đường Thái Tông - người
từng ngăn cấm ông xuất cảnh nay lại yêu cầu ông tường thuật chuyến du
hành thành sách, đó chính là lai lịch của Đại Đường Tây Vực ký, chủ yếu
bàn về Phật giáo, nhưng cũng có nhiều nội dung không được người Phật tử