trước hết người tu tập nên dành thời gian để nghiên cứu kinh điển
rồi suy ngẫm nghĩa lý trong đó. Tôi biết nhiều người thực hành thiền
trong nhiều năm, nghĩ rằng bản thân đã tiến bộ, nhưng không có các
văn bản kinh điển để tham khảo ấn chứng họ vẫn dễ đi lạc vào
những thứ thiền nào đó của ngoại đạo hay bị dẫn dụ vào con đường
mê tín của các thầy phù thủy, rất khó thoát ra. Tất cả sự nhầm lẫn
này có thể tránh được thông qua việc học hỏi và nghiên cứu kinh
điển để thấy rõ con đường đi của mình.
Connie hỏi:
- Tôi muốn biết rõ hơn về việc thực hành có thể giúp gì cho sức
khỏe của tôi hay có thể trừ được bệnh tật không?
Ông Kris gật đầu, trả lời điềm đạm:
- Nếu thực hành đều đặn, cô sẽ thấy sức khỏe của mình phục hồi
một cách bất ngờ. Nhiều người duy trì thói quen tập thể dục thể thao
hằng tuần, đó đúng là một thói quen lành mạnh, nhưng cũng chỉ gia
tăng sức khỏe bên ngoài. Phần lớn bệnh tật phát xuất từ bên trong
hay từ tâm thức. Nếu cô bận rộn, lo lắng đủ mọi chuyện rồi dẫn đến
mất ăn, mất ngủ, sinh bệnh và như thế thì việc tập thể thao cũng
không giúp được bao nhiêu. Thực hành thiền qua việc thở chậm và
nhẹ có thể xoa dịu hệ thần kinh đang náo động của cô. Hơi thở nhịp
nhàng sẽ mang sinh lực (prana) vào các cơ quan nội tạng, có công
dụng chữa lành được nhiều thứ bệnh. Nếu nói một cách khoa học
thì khi máu huyết lưu thông đều đặn, không bế tắc, các cơ quan
nhận được đầy đủ oxy sẽ hoạt động hữu hiệu hơn.
Connie ngần ngại:
- Tôi có một câu hỏi tế nhị là khi thực hành thiền, miệng tôi đã tiết ra
nhiều nước bọt làm tôi khó chịu. Tôi là người sạch sẽ nên việc đó
khiến tôi rất phân tâm. Tôi không biết có cách nào làm để nước bọt
tiết ra ít hơn không?
Ông Kris trả lời thản nhiên: